Multimedia Đọc Báo in

Người kết nối những tấm lòng thiện nguyện

08:13, 23/09/2022

Là chủ của một spa nhỏ tại thôn 1, xã Ea Nam (huyện Ea H’leo), công việc chính của chị Trần Thị Dự là dạy yoga, chăm sóc sắc đẹp cho chị em phụ nữ với mức thu nhập trung bình, chỉ đủ để nuôi con nhỏ chứ không quá dư dả.

Dù vậy, với tấm lòng thiện nguyện, luôn muốn giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, chị Dự đã không quản ngại khó khăn, nhiệt tình làm "cầu nối" cho nhiều mạnh thường quân, những người thường xuyên làm công tác tình nguyện trong và ngoài địa phương giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nhờ sự kết nối của chị, nhiều phần quà đã đến đúng người, đúng thời điểm càng làm tăng thêm ý nghĩa tốt đẹp của sự sẻ chia “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Năm 2021, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khắp cả nước, chị Dự đã kết nối với các nhóm hỗ trợ nấu 500 suất cơm cho lực lượng trực chốt kiểm soát dịch COVID-19; vận động các mạnh thường quân hỗ trợ 100 suất quà trị giá 20 triệu đồng cho các hộ nghèo của xã Ea Nam và tham gia vận động 10 tấn hàng rau củ ủng hộ người dân ở TP. Hồ Chí Minh. Tháng 8/2022, chị Dự đã kết nối nhóm thiện nguyện 47D1 & các cộng sự với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã Ea Nam ra mắt chuyến xe cứu thương 0 đồng. Tại buổi lễ ra mắt, nhóm thiện nguyện đã trao tặng 40 suất quà cho bà con nghèo ở thôn 8, xã Ea Nam.

Chương trình "Kết nối yêu thương - Tóc mới đến trường" do chị Trần Thị Dự kết nối tổ chức.

Đầu năm học 2022 – 2023, chị Dự đã quyên góp được 30 bộ sách giáo khoa cùng với quần áo đồng phục cũ tặng học sinh nghèo. Mới đây, vào ngày 4/9/2022, nhằm giúp các em học trò nghèo chuẩn bị cho năm học mới tươm tất, chị Dự đã lên ý tưởng và cùng với Hội LHPN xã Ea Nam, Đoàn Thanh niên xã, nhóm thiện nguyện 47D1 & các cộng sự và một số anh chị em thợ cắt tóc tổ chức chương trình “Kết nối yêu thương – Tóc mới đến trường”. Chương trình đã tổ chức cắt tóc, làm vệ sinh móng tay, chân miễn phí cho gần 100 học sinh buôn Briêng A, B, C, thôn 5. Hoạt động này tuy giá trị vật chất không lớn nhưng mang lại niềm vui trong trẻo cho những học sinh khó khăn.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.