Multimedia Đọc Báo in

Thú vui tao nhã của những cựu binh

07:09, 25/09/2022

Rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, ngoài thời gian phụ giúp gia đình phát triển kinh tế, nhiều cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Krông Bông còn tham gia nhiều hoạt động giải trí “cầm, kỳ, thi, họa” hoặc vui thú điển viên với hoa cây cảnh, là những tấm gương “sống vui, sống khỏe, sống có ích” ở địa phương…

Thượng tá Trần Văn Việt nguyên là Đoàn trưởng Đoàn công tác Quân khu 5 ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp. Sau 31 năm phục vụ trong quân đội, ông về hưu và sinh sống ở khối 5, thị trấn Krông Kmar. Yêu thơ từ ngày còn cắp sách đến trường, những lúc nhàn rỗi ông thường “mơ theo mây và thơ thẩn cùng trăng”, sáng tác nhiều bài thơ về tình yêu quê hương đất nước và tình yêu lứa đôi được mọi người yêu thích.

Năm 2006, ông Việt được bầu làm Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Bông. Ông đã có sáng kiến phát động phong trào mỗi CCB có một “Vườn rau Bác Hồ” và ông là người tiên phong phát triển vườn rau của gia đình, duy trì đến nay. Trong những lần đi cơ sở, ông Việt thấy nhiều nơi trồng cây mai nhưng chỉ để phát triển tự nhiên. Vốn là một thành viên Hội Sinh vật cảnh của huyện, ông Việt nảy ra ý tưởng phát triển vườn nhà thành một vườn mai có trên 100 gốc với nhiều chủng loại như mai 5 rừng cánh, cúc mai Bình Định, mai miền tây…

Hằng ngày tự tay ông chăm sóc, cắt tỉa tạo dáng phòng trừ nấm bệnh cho vườn mai, hiện tại vườn mai có trị giá hàng trăm triệu đồng; ngoài ra ông còn chăm sóc hàng trăm giò lan rừng và cây cảnh các loại…

Chậu mai quý  của ông Trần Văn Việt.

Cũng đam mê thơ từ những ngày còn đi học, năm 1967 ông Nguyễn Văn Chức (hiện ở thôn 6, xã Hòa Phong) nhập ngũ. Mỗi khi đơn vị nghỉ ngơi sau những giờ hành quân, ông thường sáng tác thơ và đọc cho đồng đội nghe. Khi xuất ngũ, trở về cuộc sống đời thường ông tiếp tục làm thơ, sáng tác hàng trăm bài ca ngợi quê hương đất nước, cổ vũ các phong trào thi đua lao động sản xuất ở địa phương. Để nuôi dưỡng thú vui và có điều kiện giao lưu với những người cùng niềm đam mê, ông tham gia Câu lạc bộ Thơ xã Hòa Lễ, mỗi khi sinh hoạt định kỳ ông lại đạp xe đi xa gần 5 km để gặp gỡ bạn thơ…

Còn CCB Nguyễn Kim Hò ở thôn 12 (xã Hòa Lễ) năm nay đã 72  tuổi nhưng vẫn có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc. Những lúc nhàn rỗi ông lại say sưa luyện tập những ca khúc mới, hằng tuần vào tối chủ nhật ông thường tham gia các buổi diễn “Hát cho nhau nghe” tại nhạc quán Boss cách  xa nhà 15 km. Sở hữu giọng nam trung, ông được nhiều người biết đến và tặng cho danh hiệu: “Tiếng hát không có tuổi”  qua những ca khúc khó như “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Chiếc vòng cầu hôn”, “Đâu phải bởi mùa thu”, “Điều giản dị”...

Bên cạnh đó, nhiều cựu binh lại đam mê những môn thể thao như cờ tướng, bóng bàn… Điển hình như CCB Nguyễn Văn Bình, ở thôn 4 (Hòa Phong), mặc dù đã 61 tuổi nhưng đều đặn mỗi buổi chiều không kể ngày nắng hay ngày mưa, ông lại đến gặp gỡ những người có cùng sở thích giao lưu bóng bàn. Ông Bình chia sẻ, bóng bàn là môn ông yêu thích từ thời thanh niên, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất lúc ấy còn thiếu thốn, mãi đến những năm gần đây ông mới có nhiều thời gian luyện tập coi đó vừa là niềm vui, vừa để nâng cao sức khỏe…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.