Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành trên “nẻo về” của thanh niên lầm lỡ

07:44, 14/10/2022

Để giúp đỡ thanh niên "chậm tiến" sớm hòa nhập cộng đồng, ngăn ngừa nguy cơ tái phạm, huyện Krông Búk đã có nhiều cách làm hay, giúp người lầm lỡ ổn định cuộc sống.

Đứng lên từ vấp ngã

Ở quán nước nhỏ bên cạnh rừng phòng hộ tại xã Cư Né (huyện Krông Búk), nhìn người đàn ông xấp xỉ tuổi 40 nhanh tay thu xếp lại bàn ghế mỗi khi có khách dừng chân và tất tả bưng bê những thức uống mà khách yêu cầu, khó ai biết được trước đây, anh đã phải nỗ lực từng ngày để được xóa án tích về tội danh đánh bạc. Người đàn ông đó là anh Phan Bá Hạ (trú xã Chư Kpô, huyện Krông Búk).

Năm 2011, sau khi Hội đồng xét xử TAND huyện Krông Búk tuyên án 1 năm thi hành án treo tại địa phương, anh Hạ tâm niệm rằng sự khoan hồng này chính là cơ hội để làm lại cuộc đời. Do vậy, anh luôn nỗ lực phấn đấu trong việc cải tạo, chấp hành án treo và thử thách án treo. Năm 2013 anh Hạ được xóa án tích.

Anh Phạm Văn Lương (bên trái) ở buôn Mùi 3, xã Cư Né (huyện Krông Búk) làm lại cuộc đời từ nghề mộc. Ảnh: H.Anh

Anh Hạ cho biết, cả hai vợ chồng đều không có công ăn việc làm ổn định, nhờ sự quan tâm của Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện, khi Công trình thanh niên trồng và chăm sóc 2.000 cây sao đen được khởi công vào năm 2018, gia đình anh Hạ cũng được đoàn viên thanh niên dựng cho quán nước nhỏ trên đất của công trình thanh niên này.

“Nhờ vậy mà gia đình tôi có nguồn thu nhập hằng ngày. Những ngày không đi làm thuê, hoặc khi Đoàn xã Cư Né phát động, tôi tham gia cùng với mọi người chăm sóc những cây sao đen và xem đây như là một trong những việc làm ý nghĩa thay cho lời cảm ơn của gia đình đối với Hội LHTN Việt Nam huyện”, anh Hạ tâm sự.

 

“Hội LHTN Việt Nam huyện đang trong quá trình xây dựng mối liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp mong muốn lập ra Quỹ hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng để tạo bước đệm vững chắc cho thanh niên hoàn lương” - anh Vũ Minh Cường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Krông Búk.

Sau nhiều nỗ lực, anh Phạm Văn Lương (SN 1987, ở buôn Mùi 3, xã Cư Né) cũng trở thành tấm gương cho thanh niên nơi đây. Anh Lương từng hai lần phạm tội với hai lần đi chấp hành án 7 năm 6 tháng tù giam về tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản, sai lầm tuổi trẻ khiến anh phải trả giá đắt.

Nhờ sự động viên của gia đình và cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Krông Búk, anh Lương quyết tâm làm lại cuộc đời. Với nguồn vốn 20 triệu đồng do Công an huyện Krông Búk phối hợp các nhà hảo tâm đóng góp, cùng số tiền gia đình hỗ trợ, cuối năm 2020, anh Lương mở xưởng mộc nhỏ.

Ban đầu, anh thu mua gốc cây cà phê, gốc cây cao su về khắc, chạm đồ mỹ nghệ để bán. Sau đó, anh mở rộng quy mô xưởng mộc với hai cơ sở, vừa trưng bày kinh doanh, vừa chế tác sản phẩm, với vốn điều hành hiện nay hơn 1 tỷ đồng.

Không dừng lại đó, đồng cảm với những người khao khát tìm lại chính mình sau vấp ngã, anh Lương tạo điều kiện cho 6 thanh niên hoàn lương đến xưởng mộc học nghề. Mức lương mỗi người từ 6 - 7 triệu đồng/tháng khi học nghề và từ 12 - 15 triệu đồng/tháng khi đã vững tay nghề, làm thợ.

Cộng đồng chung tay

Từ năm 2020 đến nay, huyện Krông Búk có 74 người người hết hạn tù, chấp hành phạt tù hưởng án treo và cải tạo không giam giữ. Trong đó, có 47 người chấp hành xong án phạt tù cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ. Hiện có 27 đối tượng đang chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo và chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

Anh Vũ Minh Cường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Krông Búk chia sẻ, trong rất nhiều người có quá khứ lầm lỡ ở huyện Krông Búk mà anh từng gặp, câu trả lời của họ thường là muốn tìm một công việc để “bắt đầu lại”, nhưng rào cản lớn nhất chính là sự tự ti, mặc cảm về tù tội, không dám xin việc, không nguồn vốn nên cũng không biết bắt đầu từ đâu.

Những thanh niên hoàn lương ở huyện Krông Búk được quan tâm, giới thiệu việc làm. Ảnh: H.Anh

Chính từ thực tiễn đó, hàng loạt những hoạt động "đồng hành trên nẻo về" của thanh niên hoàn lương được các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện triển khai như là đòn bẩy hữu hiệu cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Kim Ngọc là nơi làm việc của 6 lao động đang trong quá trình phấn đấu để được xóa án tích. “Chúng tôi hiểu và chia sẻ về những mặc cảm, tự ti của các lao động hoàn lương ở đây. Do đó, ngoài việc trả công 200 nghìn đồng/ngày, đối với những thanh niên hoàn lương có hoàn cảnh khó khăn hoặc có nhu cầu, công ty sẵn sàng cho vay từ 5 - 10 triệu đồng (không lãi suất) để gia đình họ có nguồn vốn mua con giống, cây giống nhằm tăng thêm thu nhập”, ông Nguyễn Kim Ngọc, Giám đốc công ty cho hay.

Tương tự, những thành viên trong Câu lạc bộ Khởi nghiệp huyện Krông Búk đã chung tay cảm hóa, giúp đỡ cho 12 thanh thiếu niên có quá khứ lầm lỡ trên địa bàn bằng sự hỗ trợ cả vật chất và tinh thần để họ có động lực vượt qua mặc cảm bản thân, tự tin sống đẹp, sống có ích.

Theo đánh giá của Hội LHTN Việt Nam huyện Krông Búk, từ các hoạt động hỗ trợ trên, nhiều thanh niên hoàn lương ở địa phương đã nỗ lực vươn lên, tích cực tham gia vào tổ chức đoàn, hội và phấn đấu rèn luyện, trở thành những hạt nhân tiêu biểu.

Một số thanh niên hoàn lương sau thời gian rèn luyện và phấn đấu đã trở thành những tấm gương về quyết tâm và nghị lực cho nhiều thanh niên khác học hỏi. Nhờ đó đã phát huy hiệu quả, khích lệ cho nhiều thanh niên hoàn lương khác quyết tâm vươn lên, bước qua lầm lỗi để làm lại cuộc đời..

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.