Multimedia Đọc Báo in

Tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm: Thiết thực bảo đảm quyền lợi người lao động

08:45, 13/10/2022

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, gắn kết của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thời gian qua BHXH tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, đối thoại về thực hiện chính sách với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo BHXH tỉnh, thời gian qua, tình trạng vi phạm các quy định về BHXH, BHYT, BHTN chưa được khắc phục triệt để, đặc biệt là trong việc nợ đóng. Với người sử dụng lao động, có những trường hợp tìm nhiều lý do để không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động sau khi hai bên đã ký hợp đồng lao động hoặc có đóng nhưng không đủ thời gian cần đóng.

Chính việc nợ đóng này đã dẫn đến trường hợp người lao động khi không may gặp rủi ro, tai nạn khi doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH, đồng nghĩa họ không có thẻ BHYT, không được Quỹ BHYT trả chi phí điều trị. Rõ ràng, lỗi này thuộc về phía người sử dụng lao động nhưng người lao động lại phải gánh chịu.

Cán bộ BHXH tỉnh giải quyết các thủ tục, chính sách bảo hiểm cho người tham gia.

Trước thực trạng này, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm đến nhiều đơn vị, doanh nghiệp.

Cùng với đó, tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người lao động tham gia BHXH về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mục đích để những doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT cho người lao động chia sẻ những kết quả mà họ đã nỗ lực thực hiện; đồng thời lắng nghe, hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm của các đơn vị.

Trên cơ sở đó, giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn trước mắt, hướng đến đảm bảo đầy đủ quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

 

Tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có trên 105 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc (đạt 96,3% kế hoạch, tăng gần 3.000 người so với cuối năm 2021); gần 17.900 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 60% kế hoạch, giảm 185 người so với cuối năm 2021); 1.610.648 người tham gia BHYT (đạt 96% kế hoạch,đạt tỷ lệ bao phủ 87,62% dân số toàn tỉnh).

Thực tế qua các buổi đối thoại cho thấy, nhiều doanh nghiệp hiện không nắm rõ những nội dung như: quy trình, quy định trong việc doanh nghiệp nợ tiền BHXH và muốn chốt sổ cho những lao động nghỉ việc; kênh thông tin qua điện thoại để người lao động kịp thời phản ánh, thông tin cũng như giải đáp vướng mắc; người lao động làm việc tại hai cơ quan, đơn vị thì tham gia BHXH như thế nào; trường hợp đóng chuyển tiếp từ BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc và ngược lại…

Bên cạnh đó, người lao động cũng chia sẻ những vướng mắc như: chế tài đối với những công ty nợ, trốn đóng BHXH để bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động; cần cơ chế chính sách cho lao động lớn tuổi ký hợp đồng với doanh nghiệp nhưng trước đó họ đã tham gia BHXH; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Ông Phạm Hùng Sơn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh chia sẻ, cùng với hoạt động tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH cho người lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, BHXH đã tăng cường đối thoại với người lao động, người sử dụng lao động về thực hiện chính sách bảo hiểm giúp các bên liên quan kịp thời nắm bắt, hỗ trợ giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực thi các chính sách; đồng thời, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người lao động về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN, qua đó thiết thực bảo đảm quyền lợi cho các bên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ thông tin tại buổi đối thoại với BHXH tỉnh.

Một thực tế đang diễn ra hiện nay nữa là tình trạng người lao động sau khi nghỉ việc hưởng BHXH một lần khá nhiều, dẫn đến một số lượng lớn người dân rời hệ thống BHXH làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Chính vì thế, thông qua những buổi tư vấn, đối thoại, cán bộ BHXH sẽ kịp thời thông tin, tuyên truyền, vận động để người lao động nâng cao nhận thức, chuyển đổi sang đóng BHXH tự nguyện hoặc tạm dừng đóng đến khi tìm được việc làm ở đơn vị khác… để có tiền lương hưu, bảo đảm cuộc sống khi về già.

Có thể thấy, với sự nỗ lực không ngừng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, người lao động đối với chính sách bảo hiểm.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.