Multimedia Đọc Báo in

Giữ ngọn lửa ấm gia đình

08:51, 26/10/2022

Giữ gìn và vun đắp hạnh phúc gia đình là câu chuyện không bao giờ cũ, nhất là đối với phụ nữ, những người đóng vai trò quan trọng trong việc “giữ lửa” gia đình.

Chị Nguyễn Thị Trang, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những cá nhân tiêu biểu trong phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu cho những mục tiêu của bản thân, đóng góp cho xã hội. Chị Trang chia sẻ: “Cả hai vợ chồng đều là người lập nghiệp xa quê, sống xa bố mẹ, ông bà. Thế nên cuộc sống đôi khi bị “quá tải”, nhưng chúng tôi cùng cố gắng vượt qua. Tôi tôn trọng mình, tôn trọng chồng, chia sẻ để anh hiểu những khó khăn hay mục tiêu, ước muốn của mình để cả gia đình cùng phấn đấu, vun đắp tình cảm gia đình”.

Tổ ấm của chị Nguyễn Thị Trang (TP. Buôn Ma Thuột).

Vào năm 2021, khi cùng nhóm bạn đoạt giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức với dự án “Tận dụng thảo dược thiên nhiên chiết xuất chế phẩm chất tẩy rửa hữu cơ và chăm sóc cá nhân”, chị Trang đã tận dụng cơ hội để phát triển dòng sản phẩm này. Vừa làm nhiệm vụ của một giáo viên, vừa theo đuổi đam mê của mình, quỹ thời gian hết sức eo hẹp, nhưng chị vẫn luôn cố gắng sắp xếp công việc một cách khoa học để có thể dành thời gian chăm sóc gia đình, làm tròn vai trò của người mẹ, người vợ. Với chị, sự đầm ấm, ngon miệng đến từ những bữa cơm đơn giản, đầy ắp tiếng nói cười, chính là bí quyết để giữ ngọn lửa ấm gia đình. Ở đó, những câu chuyện đời thường của cuộc sống, công việc, hay đơn giản những mẩu chuyện vui của các thành viên được chia sẻ, giãi bày… để từ đó hiểu nhau và chung tay vun đắp hạnh phúc gia đình.

Tại Diễn đàn “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tại thị xã Buôn Hồ vào cuối tháng 9 vừa qua, nhiều chị em phụ nữ cũng đã chia sẻ về cách gìn giữ, vun đắp gia đình hạnh phúc, bình an. Các chị cho rằng, dù xã hội có những biến đổi, nhưng trong gia đình phụ nữ vẫn là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm áp. Thế nên trong thời đại mới, khi các quy tắc, chuẩn mực đã thay đổi, chị em cần phải biết thêm các kỹ năng mềm để xây và giữ tổ ấm, không chỉ bó hẹp trong việc nhà mà còn biết cách ứng xử sao cho các mối quan hệ trong gia đình trở nên hài hòa.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà H’Linh Mlô (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) cho biết, bản thân đã trải qua hai cuộc hôn nhân, có con chung, con riêng, con dâu, con rể và cả con nuôi. Một gia đình đông con cháu, nhiều mối quan hệ, nhưng cho đến giờ các con, các cháu đều yêu thương, gắn bó với nhau, bởi bà H’Linh đã xây dựng, duy trì một mối quan hệ hài hòa giữa các thành viên. Là người Êđê, bà H’Linh cũng đưa các yếu tố truyền thống vào nuôi dạy con cái sao cho phù hợp, không phân biệt, không thiên vị… để các con hiểu được giá trị của bản thân. Cách làm của bà không chỉ giữ tổ ấm bình yên mà mỗi thành viên còn biết vun vén và xây đắp hạnh phúc gia đình.

Tiến sĩ giáo dục Lê Thị Hồng Vân - giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên (giữa) chia sẻ về cách vun đắp hạnh phúc gia đình.

Bằng câu chuyện của mình, Tiến sĩ giáo dục Lê Thị Hồng Vân (giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên) cũng đã gửi đến diễn đàn thông điệp dành cho người phụ nữ, để “giữ lửa” cho gia đình cần tôn trọng sự khác biệt của nhau. Cụ thể, cô Vân và nhà chồng có nhiều khác biệt như: mẹ chồng và các chị em rất giỏi về nữ công gia chánh, sống trong gia đình tứ đại đồng đường; ngược lại cô Hồng Vân khá kém chuyện bếp núc, lại có nhiều năm ở nước ngoài, học ngoại ngữ nên có phần nào đó hướng ngoại. Nhưng các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người phụ nữ đã tôn trọng sự khác biệt của nhau, nhìn nhận những mặt mạnh của nhau. Cô Hồng Vân rất thích những món ăn của mẹ chồng, của các chị em và khen ngợi họ, cũng như họ khen ngợi cô về những bài học tiếng Anh do cô biên soạn, giảng dạy. Đó là ngưỡng mộ không cầu toàn và vẫn dành cho nhau sự gắn kết và trân trọng.

Mỗi người phụ nữ lại có một hoàn cảnh riêng. Cho dù họ ở đâu hay làm công việc gì, thì cũng đều có tình yêu và giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và gìn giữ tổ ấm; đó không chỉ dừng lại ở việc duy trì tình yêu thương, mà còn là người kiến tạo nên văn hóa gia đình. Chính vì vậy, phụ nữ hiện đại phải luôn chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để bắt nhịp với biến đổi của đời sống xã hội; từ đó có những ứng xử phù hợp với các tình huống của cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa xã hội.

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc