Nâng cao giá trị sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số
Ngày 24/10, tại xã Yang Tao (huyện Lắk), Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc (Học viện Dân tộc) phối hợp với UBND xã Yang Tao tổ chức Hội nghị giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc đề tài “Nghiên cứu thực trạng nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển”.
Tham dự có nhóm phụ nữ DTTS dệt thổ cẩm trên địa bàn xã Yang Tao .
Đề tài “Nghiên cứu thực trạng nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển” nhằm mục tiêu: Khảo sát thực trạng nghề dệt thổ cẩm ở tỉnh Đắk Lắk một cách tổng thể; đánh giá thực trạng và các nguyên nhân tác động đến nghề dệt thổ cẩm; đánh giá vai trò của phụ nữ DTTS đối với nghề dệt thổ cẩm và ứng dụng nghề dệt thổ cẩm đối với việc phát triển kinh tế hộ tại địa phương; xây dựng mô hình thí điểm bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm phục vụ phát triển kinh tế hộ gia đình trong vùng đồng bào DTTS; đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm gắn với tăng cường năng lực phát triển kinh tế hộ cho phụ nữ DTTS tại địa phương tỉnh Đắk Lắk.
Đông đảo nghệ nhân dệt vải xã Yang Tao tham dự hội nghị. |
Từ mục tiêu nghiên cứu cụ thể đề tài đã đưa ra 5 nội dung nghiên cứu tương ứng với 15 chuyên đề. Đề tài được thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2022, tại xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), xã Yang Tao (huyện Lắk), xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), thông qua các hoạt động như: bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ thuật dệt, quảng bá sản phẩm, trình diễn thổ cẩm cho chị em phụ nữ DTTS; củng cố, nâng cao kỹ thuật dệt thổ cẩm (dệt thủ công, dệt máy, nhuộm màu, tạo hoa văn, mẫu mã mới); tập huấn kỹ năng giới thiệu, thuyết minh về thổ cẩm cho khách hàng, làm du lịch tại cộng đồng; quản lý thời gian, kinh tế; bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, của cách mạng khoa học công nghệ…
Tại hội nghị, đại diện nhóm thực hiện đề tài đã giới thiệu những sản phẩm thời trang ứng dụng từ thổ cẩm do chính những nghệ nhân nơi đây dệt như áo dài, ví, bông tai… Qua đó, nêu bật lợi ích vừa bảo tồn được văn hoá truyền thống và vừa nâng cao giá trị sản phẩm.
TS. Nguyễn Thị Bích Thu, đại diện nhóm thực hiện đề tài giới thiệu sản phẩm thời trang ứng dụng từ thổ cẩm tại hội nghị. |
Nhân dịp này, xã cũng đã ra mắt Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Yang Tao, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm dệt thổ cẩm và hỗ trợ nhau trong tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ để nâng cao tính giá trị của sản phẩm nhằm giúp các thành viên cải thiện thu nhập, ổn định đời sống.
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Yang Tao ra mắt tại hội nghị. |
Qua thực hiện đề tài, TS. Nguyễn Thị Bích Thu và các thành viên sẽ giúp tổ hợp tác bảo tồn tinh hoa kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống; đồng thời cải tiến kỹ thuật dệt, mẫu mã, hoa văn để phù hợp với thị hiếu khách hàng, mở rộng và ổn định đầu ra cho sản phẩm…
Ngày 25/10, Hội nghị giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của các DTTS tiếp tục diễn ra tại xã Ea Tul (huyện Cư M'gar).
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc