Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng công nghệ số trong Ngày hội tuổi trẻ

16:49, 15/10/2022

Ứng dụng công nghệ số trong công tác tổ chức là một trong những điểm nổi bật của Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2022 - 2027, qua đó để lại dấu ấn đối với sự kiện chính trị trọng đại của tuổi trẻ tỉnh nhà.

Hiện đại hóa quy trình tổ chức

Diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/10, Đại hội Đoàn đã triển khai ứng dụng việc điểm danh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al) thay cho việc điểm danh bằng cách đọc tên, đếm thủ công như trước. Theo đó, 300 đại biểu chính thức dự Đại hội đã được camera quét khuôn mặt, nhận diện. Máy tự động điểm danh, xác nhận số lượng đại biểu đến dự Đại hội và hiển thị trực tiếp trên màn hình.

Đại biểu quét mã QR-Code để lấy tài liệu Đại hội.
Đại biểu quét mã QR-Code để lấy tài liệu Đại hội.

Ngoài điểm mới nêu trên, tại Đại hội lần này, mỗi đại biểu đều được cấp thẻ có tích hợp mã QR-Code số hóa tài liệu văn kiện đại hội, kịch bản chương trình, báo cáo chính trị, sơ đồ vị trí ngồi… Đại biểu chỉ cần sử dụng smartphone hoặc máy tính bảng quét mã QR in trên thẻ đại biểu là có thể truy cập thông tin, tài liệu cần thiết của đại hội một cách thuận tiện.

Song song với tích hợp mã QR cho đại biểu dự Đại hội, việc ứng dụng công nghệ số trong tổ chức Đại hội còn được triển khai thông qua các phương tiện thông tin tuyên truyền bắt mắt, có sức hút đến đông đảo đoàn viên thanh niên và cộng đồng xã hội qua các clip trailer giới thiệu về sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ; livestream chương trình khai mạc phiên trọng thể Đại hội; bên cạnh đó, chương trình Đại hội thêm đổi mới hình thức trình bày báo cáo tổng kết truyền thống thông qua video clip, phóng sự ngắn; trình bày danh sách nhân sự, các chức danh trên Microsoft Powerpoint; tổng hợp các hình ảnh của Đại hội trình chiếu tại màn hình LED cỡ lớn đặt ngay phía ngoài hội trường.

Anh Y Rô Ya Niê (Đoàn đại biểu huyện Krông Năng) chia sẻ: “So với các kỳ Đại hội trước, Đại hội lần này đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Tôi thấy công tác điểm danh đại biểu được thực hiện bằng việc nhận diện khuôn mặt giúp cho quá trình làm việc diễn ra nhanh, gọn. Việc sử dụng mã QR giúp việc tìm tài liệu cũng trở nên dễ dàng hơn, cách làm này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí của Đại hội. Hy vọng rằng, việc ứng dụng công nghệ số sẽ được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh lan tỏa, nhân rộng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia các hoạt động chuyển đổi số của tỉnh nhà”.

Trải nghiệm sàn nông sản trên “vũ trụ ảo”

Đến với Đại hội lần này, các đại biểu còn được trải nghiệm Sàn nông sản trên vũ trụ ảo AgriVerse. Đây là mô hình được tạo ra trên nền tảng kỹ thuật số hiện đại, giúp người xem có cái nhìn trực quan, trực tuyến.

 

“Đại hội Đoàn lần này đánh dấu nhiều điểm mới trong công tác tổ chức, đặc biệt là gắn với các nội dung về chuyển đổi số, tạo hiệu ứng lan tỏa đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn của tuổi trẻ tỉnh nhà. Các nội dung đổi mới này thể hiện sự chủ động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ của các bạn trẻ. Chúng tôi tin tưởng rằng với khí thế mới, nhiệm kỳ mới, thanh niên sẽ đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực trong tương lai”. Bí thư Tỉnh Đoàn H Giang Niê

Chương trình này được Trung ương Đoàn phối hợp với AgriDrone Việt Nam triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với mục tiêu hỗ trợ thanh niên đưa sản phẩm lên nền tảng số, tổ chức các diễn đàn kết nối nông sản, giúp thanh niên nông thôn tiếp cận với công nghệ mới, góp phần quảng bá Đại hội Đoàn theo hướng đổi mới và sáng tạo.

Đến với Sàn nông sản, các đại biểu được đeo kính thực tế ảo trải nghiệm không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm. Nhà trưng bày sản phẩm có thể giới thiệu nông sản của mình thông qua các hình ảnh, video, thông tin và trò chuyện, tư vấn, mua bán, tương tác với người mua trực tiếp trên nền tảng. Chương trình này tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ, kết nối giữa nhà trưng bày sản phẩm với các đối tác tiềm năng, có thể một lúc chăm sóc nhiều đối tượng khách hàng, tăng hiệu năng công việc, từ đó gia tăng doanh số bán hàng. Sàn nông sản tại Đại hội Đoàn cấp tỉnh có 10 gian hàng trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên địa phương.

Anh Trần Văn Hùng, chuyên viên kỹ thuật của sàn nông sản trên vũ trụ ảo Agriverse cho biết, hiện nay khách hàng tham gia có thể kết nối tìm hiểu sản phẩm đặc sản của địa phương ở các tỉnh thành khi có wifi và aap của công ty. So với triển lãm trực tiếp, trưng bày sản phẩm trên AgriVerse tiết kiệm hơn vì không mất chi phí thiết kế, sản xuất gian hàng và di chuyển đến điểm triển lãm. Nhà trưng bày được phép lựa chọn và trang trí gian hàng sinh động, hấp dẫn mang dấu ấn riêng.

Đối với tổ chức Đoàn thanh niên, đây là một phương thức hỗ trợ thanh niên nông thôn quảng bá và giới thiệu sản phẩm, giúp các bạn trẻ tiếp cận với công nghệ mới, ứng dụng thành quả của cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 vào thực tiễn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nhóm đối tượng này trong làm chủ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất.

Đại biểu trải nghiệm Sàn nông sản
Đại biểu trải nghiệm Sàn nông sản trên vũ trụ ảo AgriVerse.

Trực tiếp tham gia trải nghiệm sàn giao dịch nông sản trên vũ trụ ảo, anh Võ Long Châu (Đoàn đại biểu TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Sàn nông sản trên vũ trụ ảo AgriVerse mang lại nhiều lợi ích cho thanh niên nông thôn. Tại đây, thanh niên có thể trưng bày sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm và gian hàng trực tuyến chuyên nghiệp, hiện đại bậc nhất hiện nay; được tiếp cận với khách hàng không bị giới hạn về địa lý. Là một thanh niên được hỗ trợ khởi nghiệp, tôi cũng mong muốn sắp tới sản phẩm của mình sẽ được quảng bá, giới thiệu, giao dịch tại sàn nông sản này”.

Vân Anh

 

 


 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.