Multimedia Đọc Báo in

Xin đừng để giáo viên trở thành “người thu tiền”!

06:57, 13/11/2022

Câu chuyện một phụ huynh ở Hà Tĩnh vác dao xông vào trường dọa chém, bắt thầy hiệu trưởng quỳ gối xin lỗi khiến nhiều người phẫn nộ, bức xúc, bất an. Nguyên nhân của sự việc là vì sau giờ chào cờ, thầy hiệu trưởng đã nhắc tên hai con của vị phụ huynh kia trên loa để gọi lên hỏi lý do vì sao không đóng tiền bảo hiểm y tế, đã gửi giấy mời phụ huynh mà không đến?

Vụ việc đã được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, nhưng nó đã chỉ ra một thực trạng đáng buồn, khiến các nhà quản lý giáo dục phải suy nghĩ. Đó là nhà trường, giáo viên chủ nhiệm không chỉ có nhiệm vụ dạy học mà phải kiêm thêm việc vận động và thu tiền phụ huynh học sinh.

Tại sao lại yêu cầu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thu các khoản tiền không phục vụ cho việc dạy và học để rồi phụ huynh hiểu nhầm là trường được hưởng lợi nên suốt ngày đòi tiền? Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể của học sinh là quyền lợi của học sinh nhưng mua hay không mua lại là quyền của phụ huynh. Việc giáo viên cứ phải nhắc nộp tiền mua bảo hiểm nhiều lần lại sinh ra tâm lý khó chịu, bực bội cho một bộ phận phụ huynh. Thực trạng này diễn ra không phải chỉ mới đây mà đã diễn ra rất nhiều năm.

trường Tiểu học Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) nơi xảy ra
Trường Tiểu học Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Internet

Chuyện tiền bạc trong trường học vốn đã khá nhạy cảm. Dù là trường công hay tư thì đầu năm học phụ huynh cũng phải đóng khá nhiều khoản, cả tự nguyện lẫn bắt buộc. Giáo viên chủ nhiệm và cả hiệu trưởng đôi khi rơi vào tình thế bị kẹt ở giữa phụ huynh và chỉ tiêu cấp trên giao phải đạt 100%. Nếu thầy cô không thường xuyên nhắc nhở học sinh (để học sinh báo lại phụ huynh) thì sẽ không hoàn thành chỉ tiêu, bị cấp trên phê bình, trừ thi đua. Trường không hoàn thành chỉ tiêu 100% học sinh mua bảo hiểm y tế thì hiệu trưởng bị nhắc nhở, lại ảnh hưởng thi đua của trường. Hậu quả là để hoàn thành chỉ tiêu được giao, giáo viên chủ nhiệm trở thành... “người đi đòi tiền” trong mắt học sinh và phụ huynh.

Trường học phải là nơi để thầy trò dạy tốt và học tốt. Thầy cô cần được chuyên tâm vào việc dạy sao cho tốt, cho hiệu quả. Xin đừng để thầy cô bị biến thành “người đi đòi tiền” trong mắt học sinh của mình!

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.