Cần đa dạng hoá nguồn lực đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hoá
Sáng 20/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 37 điểm cầu trong cả nước.
“Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Chiến lược) ra đời năm 2016 nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển các ngành CNVH trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Trong 5 năm qua, thông qua việc triển khai Chiến lược, các ngành CNVH tại Việt Nam đang dần được coi là một động lực, góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, góp phần tạo nên hướng đột phá trong thúc đẩy kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế văn hóa.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi cần có những đánh giá để xem xét đầy đủ và khách quan những tác động của Chiến lược, tạo cơ sở xác định những yêu cầu chuyển đổi cần thiết cũng như những nhân tố mới và động lực mới nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển CNVH.
Tại hội nghị đã có 8 tham luận của các nhà khoa học, các nhà thực hành văn hoá, các doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ về các vấn đề CNVH như nghiên cứu, đánh giá cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; hiệu quả phát huy các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và thực trạng phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa như thiết kế; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, CNVH có vai trò, đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế. Để tiếp tục phát triển các ngành CNVH đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, xác định rõ lộ trình, tiến độ triển khai các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược; có giải pháp nhằm đưa các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam ra thị trường thế giới, trong đó cần chú trọng thị hiếu của công chúng để đưa ra thị trường những sản phẩm được công chúng yêu thích và quan tâm; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến ngành CNVH; lan tỏa tinh thần quyết tâm, khát vọng chấn hưng, phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam; tiếp tục đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển các ngành CNVH…
Du khách tham quan tại Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ I, năm 2022. |
Tại Đắk Lắk, thời gian qua, công tác triển khai thực hiện phát triển các ngành CNVH đã đạt được những kết quả nhất định, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được lợi thế và phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng đời sống Nhân dân tại địa phương ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào sự phát triển của các ngành CNVH.
Nhiều di sản văn hóa được quan tâm đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị gắn kết với phát triển du lịch. Nhiều cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh làng nghề truyền thống đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; một số lĩnh vực ngành CNVH chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; việc thu hút đầu tư phát triển khu, điểm du lịch văn hóa còn nhiều khó khăn, chưa có nhà đầu tư đủ mạnh tham gia đầu tư vào các khu, điểm du lịch để hình thành sản phẩm du lịch, dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của du khách…
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc