Multimedia Đọc Báo in

Nuôi heo đất giúp hộ khó khăn thoát nghèo

08:42, 01/12/2022

11 năm nay, phong trào tiết kiệm bằng hình thức nuôi heo đất của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) đã và đang giúp nhiều gia đình khó khăn từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình ông Lô Hoàng Thuận (dân tộc Tày, thôn Hiệp Tiến) từ quê hương Cao Bằng vào tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp hơn 30 năm nay nhưng cuộc sống vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Mọi sinh hoạt hằng ngày, nuôi các con ăn học đều trông chờ vào tiền công làm thuê, làm mướn của hai vợ chồng và hơn 3 sào đất trồng cà phê.

Trước hoàn cảnh đó, năm 2019, gia đình ông Thuận được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Hiệp hỗ trợ một cặp dê sinh sản để phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ chăm sóc, đàn dê đã phát triển lên hơn 10 con. Ông Thuận cho hay: “Mỗi năm, đàn dê không ngừng sinh sản. Gia đình tôi giữ lại 7 con dê cái sinh sản, còn dê đực đem bán. Nhờ đó, kinh tế gia đình từng bước được cải thiện, có tiền lo cho con cái học hành”.

Cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Hiệp thăm mô hình chăn nuôi dê  của gia đình chị Nguyễn Thị Thu. 

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thu (thôn Hiệp Hưng) từ quê hương Hà Tĩnh vào xã Quảng Hiệp lập nghiệp hơn 20 năm nay nhưng do con cái thường xuyên đau ốm, không có đất sản xuất, vợ chồng lại không có việc làm ổn định nên cuộc sống khá khó khăn. Năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã trích nguồn quỹ từ mô hình nuôi heo đất để hỗ trợ gia đình chị một cặp dê sinh sản trị giá hơn 20 triệu đồng, từ đó đến nay, đàn dê đã sinh sản thêm nhiều con. Chị Thu bộc bạch: “Trước đây, hai vợ chồng không có đất đai, quanh năm chỉ biết đi làm thuê, làm mướn, kinh tế rất khó khăn. Nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ sinh kế nên đến nay cuộc sống gia đình tôi đã cơ bản ổn định, thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã… Hiện nay, chồng tôi làm lái xe ô tô tải, còn tôi ở nhà chăm sóc đàn dê, chăm lo con cái và may vá thêm quần áo...".

 

Trong 11 năm qua, xã Quảng Hiệp đã có 47 hộ thoát nghèo từ nguồn nuôi heo đất và các nguồn hỗ trợ khác.

Ông Thuận, chị Thu chỉ là hai trong số hàng chục trường hợp được chính quyền địa phương hỗ trợ từ chương trình tiết kiệm nuôi heo đất giúp đỡ hộ nghèo, gia đình khó khăn, neo đơn… Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp thông tin, toàn xã có hơn 15.000 khẩu, với 13 dân tộc cùng chung sống, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhất là ở những địa bàn có đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ngày 17/10/2011, khi xã Quảng Hiệp kêu gọi cán bộ, người dân trên địa bàn ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, thì ông Phan Liêu - một cựu chiến binh trú tại thôn Hiệp Hưng, làm trong Tổ thu gom rác của xã mang đến UBND xã một con heo đất và lấy toàn bộ số tiền tiết kiệm sau khi "đập heo" ủng hộ người nghèo. Mỗi ngày đi thu gom rác bán, ông Phan Liêu đều tiết kiệm 1.000 đồng bỏ vào heo để ủng hộ người nghèo.

Cảm động trước tấm lòng của cựu chiến binh nói trên (ông Phan Liêu hiện đã mất - PV) và xét thấy việc nuôi heo đất hỗ trợ người nghèo rất thiết thực, từ năm 2011 đến nay, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân tiết kiệm 1.000 đồng/người/ngày để nuôi heo đất gây quỹ hỗ trợ người nghèo. Phong trào nuôi heo đất được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận, năm sau luôn cao hơn năm trước. Các cá nhân, tổ chức khi đến địa phương thấy mô hình hay và ý nghĩa cũng đã tự mua heo đất (bên trong đựng số tiền ủng hộ) với mục đích giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Ngày hội đập heo đất năm 2022 ở xã Quảng Hiệp.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, xã đã chọn ngày 17/10 hằng năm là Ngày hội đập heo đất. Sau 1 năm "nuôi" heo, các hội, đoàn thể, cụm dân cư và các nhà hảo tâm đưa heo đất đến trụ sở UBND xã để tham gia ngày hội đập heo đất. Toàn bộ số tiền thu được đều được sử dụng vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã.

Từ năm 2011 đến nay, xã Quảng Hiệp nuôi được 3.287 con heo đất với số tiền gần 2 tỷ đồng, qua đó đã xây dựng 28 căn nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ sửa chữa nhà cho 16 gia đình, kịp thời hỗ trợ cho trên 60 gia đình, cá nhân bị thiên tai, bệnh tật, với số tiền trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, đã mua 184 con dê giống sinh sản hỗ trợ cho 92 hộ nghèo với số tiền trên 580 triệu đồng. Đến nay, tổng đàn dê đã phát triển lên 227 con.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.