Multimedia Đọc Báo in

Trợ lực cho người nghèo 

08:26, 27/12/2022

Từ những đổi mới trong cách thức sử dụng nguồn Quỹ Vì người nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pắc đã phát huy được nguồn “trợ lực” từ cộng đồng, làm đòn bẩy giúp người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.

Những ngày cuối năm, căn nhà của bà Nguyễn Thị Trương (thôn 1B, xã Hòa Tiến) đang được gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Bà Trương xúc động cho biết, chồng bà mất sớm, bà một mình nuôi con lại thường xuyên đau ốm nên gia cảnh hết sức khó khăn. Căn nhà cũ xây dựng gần 20 năm đã xuống cấp do thường xuyên bị ngập nước trong mùa mưa, mái ngói đã mục nát, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Sau khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Tiến khảo sát xây dựng nhà Đại đoàn kết, bà mạnh dạn vay mượn thêm để xây dựng căn nhà mới an toàn hơn.

Tổng kinh phí xây dựng căn nhà khoảng 60 triệu đồng, trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 15 triệu đồng, trích từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Tiến hỗ trợ 18 triệu đồng từ kinh phí vận động Quỹ Vì người nghèo tại xã. Do kinh phí hạn hẹp nên căn nhà 40 m2 chưa đóng la phông, chưa có mái hiên nhưng với bà Trương, đó đã là một niềm hạnh phúc lớn. Từ nay, bà không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi gió lớn, không phải lội nước khi trời mưa to. Đó cũng là động lực để bà và con trai tiếp tục phấn đấu thay đổi cuộc sống, sớm thoát nghèo.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Tiến thăm hỏi bà Nguyễn Thị Trương trong quá trình xây dựng nhà Đại đoàn kết.

Ông Lê Thanh Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Tiến cho hay, từ khi đạt chuẩn nông thôn mới đến nay, mỗi căn nhà Đại đoàn kết trên địa bàn xã chỉ nhận 50% hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo huyện, 50% còn lại do địa phương chủ động vận động. Nhờ khơi dậy được phong trào “tương thân, tương ái” cùng cách thức thực hiện minh bạch, dân chủ, công tác vận động kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết luôn vượt mức hỗ trợ tối thiểu là 30 triệu đồng/căn, huy động cả cộng đồng cùng san sẻ khó khăn về nhà ở với các hộ nghèo. Số lượng nhà Đại đoàn kết được xây dựng hằng năm liên tục vượt chỉ tiêu. Chỉ riêng năm 2022, xã Hòa Tiến đã xây dựng được 3 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, vượt 2 nhà so với chỉ tiêu đề ra.

 

Năm 2022, Quỹ Vì người nghèo huyện Krông Pắc huy động được gần 2,35 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng 25 căn nhà Đại đoàn kết, triển khai mô hình nuôi dê sinh sản cho 6 hộ nghèo tại xã Ea Hiu, hỗ trợ đề án trồng cây dổi lấy hạt tại xã Ea Yiêng với 16 hộ nghèo tham gia; hỗ trợ học tập cho 32 học sinh nghèo vượt khó…

Những năm qua, việc điều chỉnh hợp lý cách thức phân bổ Quỹ Vì người nghèo không chỉ giúp Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pắc tăng số lượng nhà Đại đoàn kết được xây dựng hằng năm mà còn tập trung được nguồn lực hỗ trợ cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh hỗ trợ làm nhà ở, trong năm 2022, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện còn hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản tại xã vùng III Ea Hiu. Mô hình có 6 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 3 – 4 con dê sinh sản trị giá 15 triệu đồng và 1 máy băm cỏ trị giá 2 triệu đồng.

Chị H’Tuêh Kduễ (buôn Jắk A, xã Ea Hiu) rất phấn khởi khi một trong 3 dê mẹ mà gia đình được hỗ trợ vừa sinh được 2 dê con khỏe mạnh sau 3,5 tháng chăm sóc, nâng tổng đàn dê lên 6 con. Chị chia sẻ, do không có đất sản xuất nên gia đình chị nỗ lực phát triển chăn nuôi để cải thiện kinh tế. Gia đình hiện đang duy trì cả mô hình nuôi bò từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, vừa phát triển thêm mô hình nuôi dê do Ủy ban MTTQ Việt Nam địa phương hỗ trợ. Cả hai mô hình đều rất phù hợp, tận dụng được nguồn cỏ, lá cây dồi dào ở địa phương, giúp gia đình chị tăng thu nhập để vươn lên thoát nghèo.

Mô hình nuôi dê của gia đình Chị H’Tuêh Kduễ từ sự hỗ trợ của Quỹ Vì người nghèo.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ea Hiu Bùi Văn Tuấn, để bảo đảm nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo phân bổ cho mô hình thực sự phát huy hiệu quả, MTTQ xã đã rà soát, khảo sát kỹ nguyện vọng và điều kiện chăn nuôi của các hộ được đề xuất tham gia mô hình. Các hộ được tập huấn về kỹ thuật nuôi dê lai Boer, trực tiếp tham quan và học hỏi kinh nghiệm và chọn lựa dê giống tại trang trại cung ứng, có hợp đồng liên kết, hỗ trợ kỹ thuật giữa các bên. Sau khi bàn giao dê, MTTQ xã và các đoàn thể cũng liên tục động viên, kiểm tra quá trình chăn nuôi của các hộ tham gia mô hình. Đến nay, tất cả các mô hình đều ghi nhận tăng số lượng dê trong đàn, tạo tiền đề tốt cho các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.