Nét đẹp ngày Xuân của người Dao ở Cư Suê
Người Dao di cư từ các tỉnh phía Bắc vào định cư ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) từ những năm 1955. Xa quê đã lâu, nhưng nét đẹp truyền thống trong đón Tết Nguyên đán vẫn được người dân nơi đây lưu giữ.
Từ đầu tháng Chạp trở đi, mỗi gia đình người Dao ở xã Cư Suê chuẩn bị một bữa cơm và mời anh em, họ hàng đến ăn “Tết năm cùng” - đây là cái Tết quan trọng trong một năm, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó. Để đón “Tết năm cùng”, từ nhiều tháng trước, gia đình ông Triệu Văn Quý (thôn 3) đã nuôi lợn, gà, chuẩn bị gạo nếp, nguyên liệu làm bánh... Ông Quý cho biết, mâm cỗ “Tết năm cùng” với đầy đủ rượu, thịt, trà, bánh, đặc biệt không thể thiếu món bánh dày truyền thống.
Tất cả lễ vật được bày trước bàn thờ gia tiên, thầy cúng được gia chủ mời về đại diện gia đình báo cáo thành quả lao động, mọi chuyện vui, buồn xảy ra trong năm và cầu mong may mắn, thuận lợi đến trong năm mới. Sau nghi lễ cúng, lễ vật được hạ xuống để đại gia đình cùng ăn Tết. Sau “Tết năm cùng”, mỗi gia đình người Dao lại tất bật dọn dẹp nhà cửa để đón Tết Nguyên đán.
Bà Bàn Thị Bình (thôn 7, xã Cư Suê) chỉnh trang lại bàn thờ gia tiên trước thời khắc chuyển giao năm mới. |
Bà Bàn Thị Bình (60 tuổi) đã sinh sống hơn 30 năm tại thôn 7 (xã Cư Suê) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cả gia đình ăn Tết cổ truyền theo đúng phong vị của người Dao ở phía Bắc. Vào ngày cuối cùng của năm cũ, tôi cùng các con quét dọn nhà cửa, sắp xếp đồ dùng sinh hoạt ngăn nắp, bàn thờ được trang trí lại, các chân hương cũ phải bỏ đi. Đêm giao thừa, các thành viên trong gia đình quây quần, cầu chúc cho nhau làm ăn phát đạt, khỏe mạnh”.
Cũng có tục “xông đất” như người Kinh, nhưng người Dao đón khách xông nhà bằng rượu, không chỉ uống một chén mà khách và chủ nhà phải uống liền 6 chén rượu để chúc sức khỏe và những điều tốt lành trong năm mới.
Sau khi đi chúc năm mới những người trong họ và hàng xóm láng giềng, già trẻ, trai gái lại nô nức đến nơi sinh hoạt cộng đồng, thường là bãi đất rộng, nay là nhà văn hóa thôn. Tại đây, bên chén trà đầu xuân, người lớn tuổi cùng nhau ôn lại truyền thống và những phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, lớp thanh niên chia thành tốp ca hát, chơi các trò chơi dân gian… Đây cũng chính là dịp để những chàng trai, cô gái Dao gặp gỡ, tìm hiểu nhau, nhiều đôi đã nên duyên vợ chồng từ những buổi vui Xuân như thế.
Trang phục dự lễ cấp sắc được bà Bàn Thị Bình (thôn 7, xã Cư Suê) tô vẽ, may thêu thủ công rất cầu kỳ. |
Một trong những hoạt động truyền thống và quan trọng trong văn hóa dân tộc Dao thường được tổ chức dịp đầu năm mới là lễ cấp sắc. Ông Đặng Văn Hoan, người uy tín trong cộng đồng người Dao ở xã Cư Suê cho hay, theo phong tục, người đàn ông có trải qua lễ cấp sắc mới được coi là trưởng thành. Để chuẩn bị cho lễ cấp sắc, gia đình người thụ lễ chuẩn bị khá công phu gồm: gạo, thịt, rượu, quần áo, nhạc cụ truyền thống… Việc tổ chức lớn hay nhỏ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế mỗi gia đình.
Lễ cấp sắc gồm hai phần lễ và hội đan xen, diễn ra một ngày một đêm. Nếu như phần lễ nghiêm trang thì phần hội lại sôi nổi, vui tươi. Tất cả người thân, họ hàng, ai có mặt đều hòa mình vào điệu múa Dao trong tiếng trống, tiếng chiêng và tiếng những quả chuông lắc ở tay rất nhịp nhàng. Lễ cấp sắc là nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao, có ý nghĩa giáo dục truyền thống, giúp con người nhận thức đúng đắn về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc