Sôi nổi không khí đón Tết cổ truyền trong trường học
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, trong không khí hân hoan đón chào năm mới, nhiều đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm ý nghĩa cho học sinh, thiếu nhi gắn với Tết cổ truyền. Qua đó, không chỉ tạo giờ ngoại khóa bổ ích mà còn giúp các em thêm hiểu, trân trọng, yêu quý văn hóa truyền thống của dân tộc.
Không khí đón chào xuân mới Quý Mão đã lan tỏa đến từng lớp học, sân trường. Các trường đã tổ chức các chương trình nhằm mang đến những trải nghiệm thú vị cho trẻ thông qua các hoạt động như: tái hiện không gian phiên chợ xưa, trang trí cành đào, hoa mai, tiểu cảnh bắt mắt, hướng dẫn gói bánh chưng, bánh tét mang đậm hương vị Tết quê… Nhờ vậy mà không khí Tết như đến sớm hơn, các bạn trẻ cũng háo hức, phấn khởi, say mê với các chương trình.
Tại Trường TH Phan Đăng Lưu (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), chương trình "Xuân yêu thương" diễn ra với các hoạt động như gói bánh chưng, tìm hiểu về Tết cổ truyền. Dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh, các em học sinh đã tự tay gói những chiếc bánh chưng xanh, bánh tét. Bên cạnh đó, mỗi lớp cũng dành một góc lớp, cùng học sinh trang trí những tiểu cảnh xinh xắn của ngày Tết.
Cô, trò và các bậc phụ huynh Trường TH Phan Đăng Lưu (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) tham gia làm bánh trưng, bánh tét và tìm hiểu về ý nghía của loại bánh này. |
Em Lê Đình An Thuyên (lớp 4A) tỏ ra vô cùng thích thú với các hoạt động này, thông qua chương trình em thêm hiểu về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền của dân tộc; biết cắt lá, phụ các công việc gói bánh chưng. “Tôi thấy những hoạt động trải nghiệm trong trường như thế này khá bổ ích đối với trẻ. Các con đã mạnh dạn, tự tin và hiểu biết được nhiều điều hơn. Con trai tôi, sau khi tham gia làm bánh chưng trên trường đã hứa với mẹ sẽ phụ giúp lau lá, dọn dẹp khi nhà mình gói bánh”, phụ huynh Lê Thị Kim Thanh bày tỏ.
Các đơn vị giáo dục mầm non như Trường Mầm non Sơn Ca (huyện Ea Súp), Nhóm trẻ Nyna (TP. Buôn Ma Thuột), Trường Mầm non Krông Ana (huyện Krông Ana)… cũng đều tổ chức những chương trình lễ hội đón Xuân 2023 với các gian hàng, các hoạt động tìm hiểu Tết cổ truyền. Các bạn nhỏ đã được trở về với không gian Tết xưa, tham gia các hoạt động dã ngoại, trò chơi dân gian, tìm hiểu phong tục ngày tết như bày mâm ngũ quả, gói bánh chưng, xin chữ đầu năm... Các em được tự tay thực hành, tìm hiểu và gói những chiếc bánh xinh xinh, thay vì chỉ xem trên tivi, sách báo. Có thể những chiếc bánh chưa được đẹp, chưa ngon, nhưng quan trọng là các em có thêm sự hiểu biết về các phong tục ngày Tết . Những hoạt động này trở nên hấp dẫn, mới mẻ trong mắt trẻ thơ.
Cô giáo Nhóm trẻ Nyna (TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn trẻ mầm non làm bánh chưng. |
Trường THCS Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) tổ chức hoạt động ngoại khoá với chủ đề “Xuân về trên Cao nguyên”. Tại chương trình, ngoài việc tìm hiểu về ngày Tết truyền thống của dân tộc, các em học sinh còn được tìm hiểu về những phong tục tập quán trong năm mới của người dân tại Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Bên cạnh đó, các bạn học sinh đã sáng tạo, tái hiện vở kịch về tinh thần đấu tranh bảo vệ đất nước, thể hiện lòng tự hào dân tộc… Thầy Đinh Văn Quyết, Hiệu trưởng trường cho hay, nhân dịp Tết đến, xuân về, nhà trường tổ chức ngoại khoá, để các em cảm nhận được mùa xuân tươi đẹp của dân tộc, đồng thời tri ân các thế hệ cha ông; tìm hiểu về văn hoá độc đáo trên mảnh đất Tây Nguyên.
Các bạn học sinh háo hức với hoạt động viết chữ thư pháp. |
Các bậc phụ huynh cũng rất hào hứng, tham gia tích cực vào chương trình của nhà trường như chuẩn bị cho các con trang phục truyền thống, quần áo mới đến trường; cùng nhau trang trí, tạo không gian để các con vui chơi. Anh Huỳnh Hữu (huyện Krông Ana) cho hay, thông qua chương trình sự giao lưu, gắn kết giữa các phụ huynh với nhau và với nhà trường càng khắng khít; họ hiểu và mong muốn được chung tay xây dựng nên một môi trường giáo dục lành mạnh cho con trẻ thông qua các hoạt động như thế này.
Không chỉ giáo dục cho học sinh về những nghi lễ, phong tục truyền thống ngày Tết Nguyên đán, các trường học trên địa bàn tỉnh còn tích cực phối hợp với đơn vị tổ chức các chương trình thiện nguyện ý nghĩa, trao những món quà tết cho các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; giáo dục cho học sinh về đạo lý truyền thống tốt đẹp, quý báu "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách" của người dân Việt.
Tiết mục diễn tấu chiêng tại Trường THCS Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) giúp các em học sinh hiểu thêm về văn hoá truyền thống dân tộc mảnh đất Tây Nguyên. |
Có thể nói, việc giáo dục cho em học sinh ý thức, trách nhiệm gìn giữ những phong tục, nét đẹp văn hóa của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó với gia đình, với cộng đồng và thêm trân quý những giá trị của cuộc sống.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc