Multimedia Đọc Báo in

Tài sản cho con là kiến thức

08:11, 15/02/2023

Thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình hiếu học trên địa bàn huyện M’Drắk phát triển sâu rộng, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập tại cơ sở. Từ phong trào này xuất hiện ngày càng nhiều những gia đình hiếu học tiêu biểu, trở thành những tấm gương sáng ở các thôn, buôn…

Nhọc nhằn "nuôi chữ" cho con

Gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn và chị Bùi Thị Đạt (ở thôn 18, xã Cư M'ta) sống bằng nghề nông, quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thu nhập bấp bênh. Trước đây, do điều kiện khó khăn nên anh Tuấn, chị Đạt đều không được học hành đến nơi đến chốn. Thấu hiểu nỗi khổ của việc ít học nên anh chị quyết tâm cho con ăn học đầy đủ bởi dù làm gì, ở đâu thì tri thức vẫn là quan trọng, nhất là khi cuộc sống ngày càng hiện đại, kiến thức càng cần thiết hơn. Anh chị quan niệm, dù để cho các con tài sản muôn ngàn bạc vạn cũng không thể bằng kiến thức.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên con đường “nuôi chữ” cho con của vợ chồng anh chị cũng gặp không ít gian nan. Đặc biệt là khi anh Tuấn không may bị thương nặng do tai nạn giao thông trên đường đi làm về (năm 2021), dù gia đình đã bán hết những thứ có giá trị để chạy chữa, nhưng di chứng vẫn rất nặng nề. Sau tai nạn, anh Tuấn mất sức lao động, chỉ có thể phụ giúp những việc nhẹ trong nhà; mọi trang trải cho cuộc sống hằng ngày, tiền học của hai con và tiền thuốc thang duy trì cho anh Tuấn oằn nặng trên đôi vai chị Đạt.

Anh Vũ phụ mẹ công việc ngoài giờ học.

Bù lại, thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, các con của anh Tuấn, chị Đạt đều chăm chỉ, tự giác học tập và học giỏi. Cậu con trai lớn Nguyễn Anh Tú là sinh viên xuất sắc năm thứ 2 Trường Đại học Y dược Huế. Cậu em Nguyễn Anh Vũ cũng là học sinh có bề dày thành tích tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành. Không chỉ học giỏi, các em còn là những người con ngoan, hiếu thảo. Ngoài thời gian đến lớp, Anh Tú tranh thủ làm gia sư, Anh Vũ phụ giúp cha mẹ công việc nhà, cắt cỏ chăn bò. Nghỉ hè là khoảng thời gian các em tích cực lao động để phụ giúp gia đình trang trải chi phí học tập. Anh Vũ tâm sự: “Bố mẹ luôn tất bật, vất vả từ sáng sớm đến tối mịt để lo cho hai anh em ăn học, mong các con có tương lai tươi sáng hơn. Vì vậy anh em con phải cố gắng học thật giỏi để đền đáp công ơn cha mẹ”.

Tảo tần nuôi con ăn học

Hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống hôn nhân cũng không suôn sẻ, chị Hoàng Thị Tý (ở thôn 18, xã Cư M'ta) dồn hết tình yêu thương cho hai người con, dù vất vả đến mấy cũng lo cho các con được học hành đến nơi đến chốn.

Tâm niệm rằng “Đời mình ít học đã vất vả quanh năm nên phải đầu tư con cái học tập mới thoát khỏi cái nghèo, đầu tư cho con ăn học là đầu tư lâu dài và đầu tư cho tương lai”, hằng ngày chị Tý làm lụng quần quật để nuôi các con. Nhà nghèo, không có ruộng đất, chị đi làm thuê từ sáng sớm đến chiều tối. Sau nhiều năm lao lực kiếm sống, chị Tý không còn đủ sức lao động nặng nhọc do mắc phải bệnh suy thận, u tuyến giáp. Tháng 9/2022 chị phải phẫu thuật cắt đi một bên thận song chị vẫn cố gắng bươn chải, quyết không để các con phải bỏ học nửa chừng. Có khoảng thời gian phải chống chọi với căn bệnh suy thận mãn tính, tưởng chừng không thể gượng dậy, chị Tý vẫn không ngừng cố gắng; nếu không thể làm, chị chạy vạy vay mượn anh em họ hàng, lối xóm lo cho các con, khỏe lại chị tiếp tục làm để trang trải nợ nần.

Chị Tý tự hào về thành tích học tập của các con.

Cơ cực là thế, nhưng bù đắp lại những thiệt thòi của mẹ, hai con chị rất ngoan. Dù sống trong cảnh “bữa đói bữa no”, điều kiện học hành thiếu thốn nhưng cô chị H’Tâm Byă và cậu em Võ Minh Thông luôn yêu thương nhau, bảo ban nhau học hành. Suốt 12 năm học phổ thông, cả hai đều là những học sinh chăm ngoan, học giỏi, biết đỡ đần mẹ.

Những năm học đại học, cô chị H’Tâm cố gắng dành thời gian làm thêm phụ giúp mẹ đóng tiền học. Hiện nay H’Tâm đã trở thành giáo viên mầm non, lập gia đình và có cuộc sống ổn định tại TP. Hồ Chí Minh. Cậu em Võ Minh Thông hiện cũng đang là sinh viên năm thứ hai Trường Sĩ quan Lục quân 2 tại Đồng Nai.

Tấm gương vươn lên nghịch cảnh để nuôi con ăn học của chị Hoàng Thị Tý được người dân địa phương rất khâm phục.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.