Multimedia Đọc Báo in

Chủ động ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm

08:07, 29/03/2023

Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, ngành y tế đã và đang tích cực, chủ động bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng.

Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn diễn biến khó lường. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan như bệnh Marburg tại khu vực châu Phi, cúm A (H5N1) tại Campuchia... Các tác nhân gây bệnh, các chủng vi rút cúm liên tục biến đổi làm giảm khả năng bảo vệ của vắc xin, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

Kiểm tra dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu cho trẻ học mầm non trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Trong nước, dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; đồng thời một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết..., bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin cũng có nguy cơ gia tăng số mắc.

Bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, tại Đắk Lắk, thời gian qua các cấp ngành đã tích cực triển khai các hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm và đáp ứng kịp thời với các tình huống dịch bệnh, từ đó đạt được một số thành quả trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm như không có trường hợp mắc bệnh dịch hạch, góp phần thanh toán bệnh bại liệt và một số bệnh truyền nhiễm đã được kiểm soát. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm tại tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp như sốt rét, sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, bệnh do vi rút Adeno, bạch hầu, sởi, bệnh dại….

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh ghi nhận 174.759 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 281 trường hợp tử vong. Riêng sốt xuất huyết Dengue, từ đầu năm đến nay đã có 214 trường hợp mắc, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Số ca mắc chân tay miệng cũng có chiều hướng gia tăng so với năm 2022 với 29 trường hợp mắc tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh cũng đã ghi nhận 4 ổ dịch thủy đậu tại huyện Lắk và TP. Buôn Ma Thuột với 93 trường hợp mắc.

Chủ động ứng phó dịch bệnh

Nhằm giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm giai đoạn 2016 - 2020; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, mới đây, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1331/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023. Mục tiêu cụ thể Bộ Y tế đưa ra là cập nhật, hoàn thiện, ban hành phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật; hướng dẫn giám sát COVID-19; hướng dẫn giám sát và phòng, chống các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ; hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác theo quy định…

Khám sàng lọc trước tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi tại TP. Buôn Ma Thuột.

Cùng với đó, thực hiện các chỉ tiêu chung về chuyên môn, kỹ thuật như: duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt ≥ 95% quy mô cấp xã; 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan. Ngoài ra còn thực hiện chỉ tiêu cụ thể đối với một số bệnh truyền nhiễm như: không để dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng, cơ sở y tế; hạn chế tối đa dịch bệnh Ebola, MERS-CoV, cúm A (H7N9) xâm nhập; 100% ổ dịch cúm A (H5N1), cúm A (H5N6), đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác được phát hiện, xử lý kịp thời, hạn chế tối đa xâm nhập và lây lan…

 

Các dịch bệnh chủ yếu do vi rút hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, một số bệnh chưa có vắc xin dự phòng, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chủ yếu là các biện pháp không đặc hiệu, tuy đã được kiểm soát và có số mắc giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát, đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm với ngành chức năng”.

 
Bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, diễn biến khó lường, đồng thời nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục chủ động bám sát tình hình diễn biến dịch để kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp, tăng cường sự chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể, xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, đáp ứng nhanh trong từng tình huống dịch bệnh.

Tiếp tục chỉ đạo huy động sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm tuổi.

Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của dịch bệnh, khống chế kịp thời dịch bệnh; củng cố và kiện toàn đội cơ động chống dịch các tuyến, sẵn sàng tổ chức điều tra, xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, đánh giá diễn biến, tổ chức khoanh vùng xử lý kịp thời, đảm bảo không để dịch lan rộng; bám sát chỉ đạo của Trung ương, địa phương kịp thời nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án với phương châm “sớm một bước, cao hơn một bước” để triển khai thực hiện, nhằm hạn chế các tình huống xấu và khống chế không để dịch bùng phát trong cộng đồng.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.