Phát triển Đắk Lắk thành trung tâm giáo dục của vùng Tây Nguyên
Chiều 23/3, Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình phát triển GD-ĐT trên địa bàn.
Tiếp và làm việc với Đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung; Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan trong tỉnh.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc. |
Theo báo cáo tại buổi làm việc, ngành GD-ĐT tỉnh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đáp ứng cơ bản yêu cầu đặt ra: quy mô học sinh, loại hình trường lớp phát triển ổn định, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực…
Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Các chính sách phát triển nguồn nhân lực, xóa mù chữ, thực hiện các mục tiêu về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện hiệu quả…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh báo cáo về tình hình phát triển giáo dục của tỉnh. |
Bên cạnh đó, công tác giáo dục vẫn còn một số khó khăn nhất định: tỷ lệ trường học kiên cố hóa còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều; giáo dục ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều ở các cấp học; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục; chất lượng dạy nghề chưa toàn diện, cơ cấu về trình độ đào tạo chưa cân đối…
Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT một số vấn đề: xem xét điều chỉnh, sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non để phù hợp với đặc thù công việc; thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có dân số ít.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục tham mưu Chính phủ triển khai Chương trình kiên cố hóa trường học, nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bổ sung chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục còn thiếu so với quy định để bảo đảm đủ số lượng giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, những năm gần đây xã hội hoá giáo dục phát triển nhưng thu ngân sách của tỉnh vẫn ở mức thấp, do đó việc đầu tư lại cho giáo dục có những hạn chế nhất định. Thời gian tới, tỉnh hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm giáo dục của khu vực. Trong đó có một số giải pháp quan trọng là đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục một cách đồng bộ; tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học đóng chân trên địa bàn phát triển…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong tương lai, Đắk Lắk phải khẳng định được vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên thông qua sự hội tụ và lan toả về văn hóa, giáo dục phục vụ cho khu vực. Tỉnh cần lưu ý: nền tảng của giáo dục vẫn là giáo dục phổ thông, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chú trọng chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học; quan tâm nhiều đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; quan tâm hơn nữa đời sống của cán bộ, giáo viên; chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc