Multimedia Đọc Báo in

“Phủ sóng” chuyển đổi số

08:14, 29/03/2023

Bằng sự linh hoạt trong chỉ đạo của Đoàn cấp trên và sự nhạy bén của lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), các hoạt động của Đoàn đang từng bước được đổi mới về nội dung và phương thức, góp phần đưa nền tảng số, công nghệ số đến với người dân, hướng tới mục tiêu “phủ sóng” chuyển đổi số.

Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số

Thời gian gần đây, hình ảnh hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng không còn xa lạ với người dân ở các địa phương. Không chỉ túc trực tại Trung tâm hành chính công, UBND các phường, xã để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các bạn trẻ còn "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để tuyên truyền cho người dân hiểu được tiện ích khi cài đặt phần mềm, dịch vụ công trực tuyến như: tích hợp các giấy tờ tùy thân (căn cước công dân, giấy tờ xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...), hỗ trợ tin báo tố giác tội phạm trực tuyến, hỗ trợ khai báo lưu trú trực tuyến, nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia...

Sinh viên Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột tham gia Ngày hội thanh niên chuyển đổi số năm 2023.

Để duy trì công trình thanh niên hỗ trợ chuyển đổi số hơn 3 tháng, Đoàn phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) đã lên kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho ĐVTN. Ban Chấp hành Đoàn phường đã thành lập Tổ hỗ trợ chuyển đổi số gồm các thành viên nhiệt tình với hoạt động cộng đồng, có kiến thức về công nghệ thông tin, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Đều đặn thứ hai đầu tuần, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Đoàn phường bố trí từ 5 - 8 người hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất và người dân ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ chuyển đổi số trong thanh toán không dùng tiền mặt…

Ngày hội “Thanh niên chuyển đổi số” vừa được các đơn vị trực thuộc Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức đã thu hút sự tham gia của trên 250 sinh viên. Với việc tuyên truyền thông qua nhiều trò chơi hấp dẫn như: hỏi đáp về chuyển đổi số, trò chơi vận động ghép mã QR code, tham gia thử thách “Đoàn viên chuyển đổi số”, vòng quay may mắn…, các bạn trẻ đã được phổ biến các kiến thức hữu ích liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; một số địa chỉ, trang thông tin chính thống để chọn lọc thông tin khi dùng mạng xã hội và một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.

Ngày hội “Thanh niên chuyển đổi số” do các đơn vị thực hiện đã tạo ra hiệu ứng lớn, hơn 300 hashtag #TuoitreDakLakTienphongChuyendoiso là thông điệp của Ban tổ chức đưa ra đã được đăng tải, chia sẻ lên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram…

Mã QR cho công trình thanh niên

Bám sát chủ đề công tác năm 2023 “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, tổ chức Đoàn tại các địa phương đã và đang đẩy mạnh xây dựng các công trình thanh niên quét mã thông tin QR tại các di tích lịch sử - văn hóa, "địa chỉ đỏ" tại các địa phương. Khởi đầu, các đơn vị sẽ thực hiện điểm tại một số địa điểm, sau đó nhân rộng ra các địa phương, gắn với việc rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đoàn viên thanh niên tìm hiểu về chuyển đổi số thông qua trò chơi vận động ghép mã QR tại Ngày hội thanh niên chuyển đổi số năm 2023.

Để xây dựng các điểm mã QR, các cấp bộ Đoàn khảo sát nhu cầu thông tin của du khách, lựa chọn điểm triển khai công trình; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý các cấp để tổng hợp, biên tập và xây dựng thành ấn phẩm tuyên truyền bao gồm infographic và video clip được số hóa trong các mã QR. Tại các di tích lịch sử - văn hóa, "địa chỉ đỏ", mã QR được thiết kế, xây dựng dưới dạng pa nô, biển bảng giới thiệu. Hoạt động này cũng được tuyên truyền sâu rộng trên các kênh thông tin, mạng Internet, mạng xã hội.

Ứng dụng công nghệ để phục vụ du lịch đang được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai. Từ năm 2022, trong các hành trình "về nguồn", về "địa chỉ đỏ", nhiều đơn vị đã gắn biển công trình số hóa các di tích lịch sử. Các công trình này được xây dựng dựa trên việc tích hợp hình ảnh, thông tin giới thiệu về di tích trong mã QR, mọi người sẽ sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet để chủ động tìm hiểu thông tin về di tích.

Chị Phan Thị Trinh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, việc triển khai số hóa "địa chỉ đỏ" không chỉ thúc đẩy quảng bá, giới thiệu về các địa danh văn hóa, lịch sử trên địa bàn mà còn giúp tiết kiệm kinh phí trong việc tuyên truyền, quảng bá văn hóa, du lịch địa phương; thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo chuyển đổi số trong mọi mặt đời sống của ĐVTN.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.