Đêm dưới tán rừng Nam Ka
Cuộc sống trong rừng già chưa bao giờ là dễ dàng ngay cả với những người chọn giữ rừng làm công việc để gắn bó. Giữa chốn rừng già hoang vu, họ phải vật lộn với biết bao gian truân, nguy hiểm...
Chiều xuống, đỉnh Nam Ka với độ cao 1.294 m (đỉnh núi cao nhất ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka) sương mù giăng kín. Dưới tán cây rừng cổ thụ ven bờ suối, thấp thoáng bóng áo xanh của những kiểm lâm viên đang loay hoay tìm vị trí thuận lợi để mắc võng nghỉ qua đêm sau một ngày rong ruổi vượt qua chặng đường dài nhiều đèo dốc, ghềnh thác để tuần tra bảo vệ rừng.
Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka nấu cơm tối ở giữa rừng. |
Mỗi lấy trong ba lô nặng trĩu của mình những tấm ni lông, võng, rồi chặt cành cây để chuẩn bị chỗ ngủ. Đã có kinh nghiệm, các anh không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành chiếc "giường lưu động" của mình. Võng được mắc giữa hai thân cây rừng, bên trên buộc một cành cây để vắt tấm ni lông qua che mưa, chắn gió. Lo chỗ ngủ xong, các anh phân công nhau mỗi người một việc để chuẩn bị bữa tối. Hôm nay rừng có mưa phùn, những cành cây khô ẩm ướt khiến việc nhóm lửa vất vả hơn. Bao nhiêu giấy loại mang theo để nhóm lửa trở nên bất lực.
Anh Phan Bá Dũng, người có kinh nghiệm hơn 20 năm đi rừng liếc mắt sang chiếc áo mưa mang theo lúc chiều rồi tặc lưỡi - “Hy sinh mày vậy!”. Nói rồi anh với tay lấy chiếc áo mưa đang vắt trên cành cây gần đó, không chút ngại ngần cho vào bếp nhóm lửa. Chiếc áo mưa sau ít phút “chống đối” cũng bắt lửa cháy lèo xèo kéo theo những cành củi ẩm ướt đã được chẻ nhỏ cháy theo. “Đi rừng gặp mưa khổ lắm, đường trơn trượt, di chuyển không cẩn thận sẽ bị ngã; áo quần, hành lý có khi ướt nhẹp, tối phải ngồi hong bên bếp lửa mới có cái mặc”, anh trò chuyện.
Bữa cơm trưa giữa rừng của lực lượng Kiểm lâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Ka. |
Vừa nói, anh Dũng vừa lấy hai cây củi tươi lớn bắc ngang qua bếp lửa đang cháy để kê nồi nấu cơm và thức ăn. Thức ăn tối là một ít thịt kho, một nồi canh rau môn rừng vừa cắt chỗ khe suối. Bên ánh lửa chập chờn, bữa cơm đơn giản được dọn ra trên lớp lá rừng. Một số chai nhựa đựng nước không còn dùng đến nữa được cắt ra để đựng thức ăn, cuống lá dong được cắt ra làm đũa. Tạm bợ là vậy, nhưng ai nấy đều ăn uống ngon lành, bởi với họ cuộc sống ở rừng thì sự giản tiện được đặt lên hàng đầu. Nhưng dù sao, bữa cơm tối vẫn thịnh soạn hơn nhiều so với bữa trưa.
Buổi trưa trước đó, trong cơn mưa rừng, bên dưới gốc cây rừng cổ thụ ướt lả chả ở lưng chừng ngọn núi cao, các kiểm lâm viên dừng lại nghỉ chân để ăn cơm trưa. Mỗi người lấy trong ba lô ra một nắm cơm gói trong lá chuối hoặc trong túi ni lông, thêm ít thịt, cá kho mặn. "Bữa trưa ở rừng thật đơn giản để tiết kiệm thời gian cho việc đi tuần tra rừng, chứ lách cách nấu nướng, chuyến đi tuần tra sẽ không đảm bảo yêu cầu", anh Nguyễn Phi Hậu, nhân viên kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka giải thích.
Đêm xuống, trời bắt đầu rả rích mưa, cái lạnh ập đến, cả đoàn tản ra đi ngủ để lấy sức mai còn đi tiếp. Màn đêm tĩnh mịch, ai nấy đều thu mình trong chiếc chăn mỏng để chống chọi lại với cái lạnh đang lùa qua chiếc võng mỏng manh, len lỏi vào da thịt của mỗi người. Lo lắng cho tôi, anh Hậu nằm cạnh lên tiếng: “Chú không quen ở rừng sẽ khó ngủ đó, chứ bọn anh ngủ rừng nhiều hơn ở nhà nên quen rồi, chỗ nào cũng ngả lưng được”. “Không sao, em cũng ngủ ở rừng nhiều nên thích nghi được!” - tôi trả lời để anh yên tâm, nhưng thực sự dưới cái lạnh, trong cái không gian mênh mông của rừng đêm như này thì khó lòng mà yên giấc được.
Trong đêm tĩnh lặng, chỉ còn tiếng rơi lộp độp của mưa, tiếng rỉ rả của côn trùng, của ếch nhái và tiếng thở dài mệt mỏi của những người kiểm lâm trải qua một ngày dài rong ruổi.
Sáng sớm, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng chim kêu, vượn hú râm ran cả khu rừng. Dưới màn sương mờ ảo, ánh nắng đầu ngày xuyên qua kẽ lá, chiếu qua màn sương mỏng tạo nên khung cảnh lung linh, mờ ảo đẹp mê hồn.
Sau bữa cơm sáng, những kiểm lâm viên thu ghém đồ đạc, khoác ba lô tiếp tục chuyến tuần tra rừng sang một khu vực khác.
Nhìn đôi chân của các anh thoăn thoắt vượt qua những con dốc sừng sững giữa trời xanh, băng qua những cánh rừng rậm bạt ngàn cây đại thụ mới thấy được những nhọc nhằn, vất vả của nghề giữ rừng. Có lẽ, chỉ có tình yêu và trách nhiệm với thiên nhiên, với rừng mới là động lực mạnh mẽ thôi thúc các anh đi rừng, bám rừng, ngày đêm miệt mài tuần tra bảo vệ, giữ gìn cho những cánh rừng ngày càng xanh tươi...
Ngọc Hân
Ý kiến bạn đọc