Multimedia Đọc Báo in

Đối thoại để thấu hiểu

08:20, 29/05/2023

Nhằm bảo đảm quyền lợi và thu hút người lao động tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH), ngành BHXH đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Trong đó, việc tổ chức hội nghị gặp gỡ để tư vấn, đối thoại, trao đổi, giải đáp vướng mắc với người lao động đã giúp nâng cao nhận thức cũng như bảo đảm quyền, lợi ích của mình.

Vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột, BHXH Việt Nam đã tổ chức hội nghị đối thoại với hơn 200 người lao động và người sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tại buổi đối thoại, sau khi cập nhật các thông tin mới về những chế độ an sinh, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… các chuyên viên ngành BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh đã kịp thời hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho người lao động, người sử dụng lao động những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tuổi nghỉ hưu; nợ đóng BHXH...

Người lao động nêu vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHXH tại buổi đối thoại.

 

Trong đó, chính sách về quy định nghỉ việc hưởng BHXH khi chăm con ốm đau được nhiều người lao động quan tâm. Vì thế chuyên viên BHXH Việt Nam đã giải thích rõ về điều kiện để bố mẹ được hưởng chế độ, ngày được nghỉ theo độ tuổi của con; quy trình làm hồ sơ để được hưởng chế độ…

Một vấn đề được quan tâm nữa là việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình sẽ tác động trực tiếp đến từng cá nhân người lao động và gia đình. Trao đổi về nội dung này, đại diện ngành BHXH đã giải thích rõ việc tiến hành tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình vừa phù hợp với quy luật phát triển, vừa mang lại lợi ích cân bằng cho các bên. Cụ thể, theo xu hướng phát triển, chính sách BHXH phải tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng. Người nào đóng BHXH cao, kéo dài trong nhiều năm, thì khi về hưu sẽ nhận lương cao và ngược lại; đây cũng là giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi. Đối với những trường hợp người bị suy giảm sức lao động; người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… vẫn có thể được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm; thậm chí có thể là 10 năm.

Ngoài ra, những nội dung người lao động kiến nghị liên quan đến quyền lợi khi đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT; khi nghỉ việc ở đơn vị cũ nhưng chưa được chốt sổ bảo hiểm để chuyển sang đóng ở đơn vị mới; quy trình giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… cũng được giải thích và hướng dẫn chi tiết  để bảo đảm quyền lợi cho mình.

Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo thống kê của BHXH tỉnh, 4 tháng đầu năm 2023, số người tham gia BHXH bắt buộc là 107.656 người, tăng 4.438 người so với cùng kỳ năm 2022; 17.674 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 682 người; 96.248 người tham gia BHTN, tăng 4.460 người và 1.631.718 người tham gia BHYT, tăng 58.214 người. Với số lượng đối tượng lớn và tăng dần dẫn đến nhu cầu được hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách của người tham gia cũng luôn phát sinh, đòi hỏi ngành BHXH phải không ngừng cải tiến, hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách cho người tham gia.

Bà Dương Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (BHXH Việt Nam) cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều kênh tư vấn, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT như: Qua tổng đài điện thoại, qua Cổng thông tin điện tử, qua mạng xã hội (Zalo, fanpage…). Hội nghị tư vấn, đối thoại này là một kênh tương tác trực tiếp với người lao động, người dân và doanh nghiệp. Năm 2023, ngoài các hội nghị đối thoại, tư vấn do BHXH các địa phương chủ động tổ chức, trên cơ sở phân tích nhu cầu khách hàng, BHXH Việt Nam chọn 12 tỉnh, thành phố có các đặc trưng riêng tại các vùng miền để tổ chức tư vấn, đối thoại, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.

Hội nghị sẽ là kênh thông tin tiếp nhận những ý kiến phản ánh của người lao động, người sử dụng lao động đối với chính sách BHXH, BHYT, BHTN; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH; quy trình tổ chức thực hiện… Trên cơ sở đó, ngành BHXH Việt Nam tổng hợp các ý kiến, để từ đó có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội trong việc xây dựng chính sách BHXH, BHYT phù hợp với thực tiễn và nhu cầu, mong muốn của người dân. Bên cạnh đó, đây sẽ là cơ hội để BHXH Việt Nam hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, vì sự hài lòng của người tham gia.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.