Multimedia Đọc Báo in

Hệ lụy từ tảo hôn, sinh đông con

08:04, 04/05/2023

Xã Cư Pui (huyện Krông Bông) hiện có 6 thôn đồng bào Mông với 1.324 hộ. Thời gian qua, dù chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương đã triển khai nhiều biện pháp song tình trạng tảo hôn, sinh đông con tại các thôn đồng bào Mông vẫn tồn tại, gây ra nhiều hệ lụy.

Hầu hết những gia đình đông con ở các thôn đồng bào Mông đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhận thức còn nhiều hạn chế; một số người vẫn còn quan niệm phải sinh bằng được con trai.

Như vợ chồng anh Ma Văn Nú và chị Thào Thị Say (ở thôn Cư Rang) mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có 7 đứa con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy một tuổi. Hai bên gia đình đều khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Vợ chồng anh chị phải mượn đất dựng nhà ở tạm. Hằng ngày anh Nú theo bạn bè đi mua bán trâu, bò hoặc có ai thuê gì làm nấy; chị Say ở nhà chăm con, thỉnh thoảng đi lấy mây, lấy đót, lấy măng về bán hay làm thuê để kiếm tiền mua gạo trang trải hằng ngày.

Chị Say tâm sự: “Vì đông con nên gia đình khó khăn lắm. Mình không muốn đẻ nhưng chồng không chịu vì nhà chưa có con trai nên cứ bắt phải sinh cho được con trai mới thôi. Ba lần sinh gần đây đều phải mổ vì sức khỏe của mình không đảm bảo. Khi sinh đứa thứ 7, bác sĩ nói phải nằm viện 1 tháng nhưng không có tiền ăn nên mới ở được 15 ngày phải xin về nhà...”.

Chị Thào Thị Say ở thôn Cư Rang mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có 7 đứa con.

Anh Ma Seo Sự và chị Lý Thị Dợ (ở thôn Cư Tê) thì lấy nhau khi anh Sự mới 17 tuổi, chị Dợ mới bước sang tuổi 14. Không có đất ở, không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định, 5 đứa con liên tục ra đời nên cuộc sống của gia đình vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Chính quyền địa phương, các tổ chức thiện nguyện đã nhiều lần hỗ trợ để các con anh chị được đi học nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, bố mẹ không quan tâm nên cả năm cháu đều không đến trường. Do không chịu được khổ, năm 2019 chị Dợ bỏ nhà ra đi, để lại năm đứa con nhỏ cho chồng. Mọi chi phí hằng ngày của các bố con chỉ dựa vào tiền công đi làm thuê của anh Sự. Năm đứa con sinh ra đến nay cũng chẳng có đứa nào có giấy khai sinh.

Thôn Ea Bar có 346 hộ đồng bào Mông sinh sống. Đa số các hộ dân trong thôn có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất nhiều gia đình sinh con thứ ba trở lên. Vợ chồng anh Hầu Seo Sính (SN 1994) và chị Chu Thị Dế (SN 1996) cùng 5 đứa con hiện vẫn phải ở chung với bố mẹ do chưa có điều kiện làm nhà ra ở riêng. Lấy chồng khi chưa đầy 15 tuổi, đến nay chị Dế mới 27 tuổi mà đã 5 lần sinh nở. Những đứa con lần lượt ra đời nên gia đình càng khó khăn. Dù mới sinh nhưng chị Dế không được nghỉ ngơi, phải gửi con cho mẹ chồng chăm để đi làm kiếm miếng ăn. Cuộc sống vẫn cứ thiếu trước, hụt sau, sức khỏe suy giảm do lấy chồng và sinh nở sớm.

Vợ chồng anh Sùng Văn Dơ và chị Giàng Thị Mo ở thôn Ea Uôn mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có 6 đứa con.

Còn gia đình anh Sùng Văn Dơ (SN 1992) và chị Giàng Thị Mo (SN 1999) ở thôn Ea Uôl phải nhờ đến lãnh đạo địa phương và các nhà hảo tâm giúp đỡ mới có nhà để ở. Mới ngoài 20 tuổi nhưng chị Mo đã có đến 6 con. Hai bên gia đình đã di cư đi nơi khác, căn nhà dựng tạm bợ trên mảnh đất mượn rộng hơn 20 m2 chỉ che được nắng. Không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định, vợ chồng anh Dơ, chị Mo lại không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Cả sáu đứa con sinh ra đều không làm giấy khai sinh, không đi học. Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết: “Gia đình anh Dơ là gia đình đặc biệt khó khăn, không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định, lại đông con. Để các cháu trong độ tuổi được đi học, lãnh đạo xã Cư Pui đã chỉ đạo cho bộ phận chuyên môn hỗ trợ giúp gia đình làm giấy khai sinh và các thủ tục cần thiết để các cháu được đến trường. Do gia đình quá khó khăn, không đủ khả năng làm nhà để ở nên địa phương phải đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ xây cho gia đình căn nhà chắc chắn để ở”.

Ea Rớt là thôn có 100% người dân là đồng bào Mông. Phần lớn các gia đình ở đây đều sinh con thứ ba trở lên. Nằm cách trung tâm xã Cư Pui hơn 20 km, địa bàn phức tạp, việc vận động kế hoạch hóa gia đình tại Ea Rớt gặp rất nhiều khó khăn. Ông Vàng Seo Măng, Trưởng thôn Ea Rớt cho hay: “Tỷ lệ con bình quân ở thôn Ea Rớt là 4 con/cặp vợ chồng; nhiều gia đình có đến 7 - 8 người con. Người dân ở đây vẫn xem việc sinh đông con là may mắn, không muốn sinh con một bề nên việc vận động không mấy hiệu quả. Chỉ tính từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, trong thôn đã có hai trường hợp học sinh THCS bỏ học để lấy chồng khi mới bước sang tuổi 14”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.