Phòng nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có sức đề kháng yếu nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong rất cao. Do đó, việc phòng ngừa nhiễm khuẩn cho trẻ sơ sinh là việc làm rất quan trọng đối với thai phụ ngay từ khi mang thai đến quá trình sinh nở và nuôi dưỡng.
Nhiễm khuẩn sơ sinh là tình trạng nhiễm trùng, xảy ra trong 28 ngày đầu sau sinh. Trẻ có thể bị nhiễm khuẩn từ trong bào thai, ngay trong cuộc sinh hoặc là sau khi sinh. Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị nhiễm khuẩn sau sinh như: yếu tố nguy cơ từ mẹ, từ con và từ môi trường.
Chị V.T.Đ. (xã Cư San, huyện M’Drắk) sinh con khi thai mới được 34 tuần tuổi và bé bị nhiễm khuẩn sau sinh với các triệu chứng sốt cao liên tục, không bú mẹ được, nhịp thở không đều, trương lực cơ giảm và kém linh hoạt. Bác sĩ Phan Đức Thuận, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu (Trung tâm Y tế huyện M’Drắk) cho biết về trường hợp này: Trong quá trình mang thai, người mẹ bị viêm đường tiết niệu, ối vỡ non nên gây nhiễm khuẩn cho con. Rất may trường hợp này được phát hiện sớm ngay sau sinh nên sau 4 ngày điều trị tích cực, tình trạng nhiễm khuẩn đã cải thiện, cháu bé đã bú tốt, linh hoạt hơn, hết sốt, trương lực cơ trở lại bình thường và sức khỏe tiến triển thuận lợi.
Trẻ bị nhiễm khuẩn sau sinh được điều trị và ủ ấm bằng phương pháp kangaroo tại Trung tâm Y tế huyện M’Drắk. Ảnh: Đình Thi |
Tuỳ thuộc vào từng loại nhiễm khuẩn, trẻ sẽ có triệu chứng khác nhau, thông thường trẻ bị nhiễm khuẩn sẽ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết…; lúc này, trẻ thường có các dấu hiệu như: bú kém hoặc bỏ bú, trẻ ngủ mê mệt hoặc quấy khóc nhiều hơn bình thường, li bì, khó đánh thức, da, môi nhợt nhạt, tím quanh môi, sốt hoặc hạ thân nhiệt, nôn mửa hoặc tiêu chảy, có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc rút lõm lồng ngực nặng, có cơn ngừng thở, vàng da sớm 24 giờ đầu sau sinh… Khi chăm sóc trẻ, nếu thấy những bất thường như vừa nêu cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. “Nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ sẽ bị nhiễm trùng huyết hoặc não có ổ nhiễm trùng, áp xe não, trẻ không phát triển được. Thậm chí nếu nhiễm khuẩn nặng có thể gây suy tuần hoàn và dẫn đến tử vong. Đối với nhiễm khuẩn sơ sinh muộn như nhiễm trùng rốn, nhiễm trùng da hoặc cũng có thể là nhiễm khuẩn toàn thân, tùy theo biểu hiện của bệnh mà các bác sĩ có cách điều trị phù hợp”, bác sĩ Thuận thông tin.
Để phòng nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh, trước khi có kế hoạch mang thai, các bà mẹ cần đi khám phụ khoa, nếu có bệnh lý về phụ khoa như: viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng bộ phận sinh dục… thì cần được điều trị dứt điểm; nên tiêm phòng các bệnh như Rubella, viêm gan siêu vi B, thủy đậu… Trong quá trình mang thai, người mẹ cần tiêm phòng đầy đủ, khám thai định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, đồng thời điều trị triệt để các trường hợp nhiễm khuẩn ở mẹ trong thời gian mang thai, tránh lây nhiễm sang con. Cần cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng, phòng suy dinh dưỡng cho mẹ để tăng cường sức đề kháng.
Khi sinh, người mẹ cần đến cơ sở y tế, không được sinh con tại nhà; trẻ sơ sinh cần được nuôi sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ ngoài cung cấp dinh dưỡng còn chứa các kháng thể giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, vì vậy người mẹ cần ăn uống khoa học, lành mạnh để sữa mẹ đủ chất dinh dưỡng. Khi chăm sóc trẻ, người mẹ cần phải vệ sinh sạch sẽ, tắm rửa mỗi ngày, không nên kiêng cữ và rửa tay thường xuyên trước khi tiếp xúc trẻ; khi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ bị sốt, ho, cảm cúm hay mắc các bệnh nhiễm trùng khác không nên trực tiếp chăm sóc trẻ, nếu buộc phải chăm sóc cần mang khẩu trang, rửa tay đúng cách; hạn chế người vào thăm trẻ cũng là cách hạn chế nguồn lây bệnh; các dụng cụ cần diệt khuẩn bằng cách luộc nước sôi hay hấp trước khi cho trẻ dùng, như ly, muỗng, bình sữa; các đồ dùng cho trẻ như khăn, quần áo, chăn, gối phải được giặt và thay thường xuyên; phòng ngủ cho trẻ cần thoáng, ấm, sạch sẽ, ít ồn ào và đủ ánh sáng…
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc