Cảnh báo ngộ độc do ăn nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu
Thời gian gần đây, do thiếu hiểu biết về các loại nấm và mức độ nguy hiểm khi ăn phải nấm độc, nhiều người dân đã đào nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu về ăn vì lầm tưởng đây là đông trùng hạ thảo dẫn đến tình trạng ngộ độc.
Vừa qua, trong quá trình làm vườn, một số người dân tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp đã đào được một loại nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu có hình thù giống với đông trùng hạ thảo. Nghĩ rằng đây là loại dược liệu quý, họ đã mang về chế biến cho người thân cùng ăn và gây ra tình trạng ngộ độc, phải nhập viện điều trị.
Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn nấm mọc từ ấu trùng ve sầu đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Là một trong số 6 bệnh nhân được được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, anh Cự Chứ Rùa (dân tộc Mông, SN 1985, trú thôn 14, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại sự việc. Anh Rùa cho biết, vài ngày trước, sau khi thấy nhiều trẻ em trong thôn đi đào một loại nấm có hình thù như con ve sầu mang bán với giá 70.000 đồng/kg nên người thân của anh cũng lên nương rẫy tìm kiếm loại nấm này đào về ăn thử. Sau khi chế biến nấm cho cả gia đình gồm 4 người lớn và 1 trẻ em ăn thì có 3 người xuất hiện tình trạng nôn ói, đau bụng, đi cầu lỏng, không tỉnh táo nên nhập bệnh viện huyện Ea Súp rồi sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị.
Tương tự, chị Trần Hồng Thiết (SN 1972, trú thôn 4B, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) cùng hai người khác cũng đang điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc vì ngộ độc nấm. Theo lời kể của người nhà chị Thiết, trưa 2/6/2023, sau khi đào được một loại nấm màu đỏ mọc từ xác ấu trùng ve sầu ở quanh rẫy tại thôn 13, xã Cư Kbang, chị Thiết cùng hai người khác chế biến thành món ăn và cùng nhau ăn với số lượng khoảng 3 - 4 nấm/người. Vài giờ sau ăn, tất cả đều có dấu hiệu ngộ độc và nhập viện điều trị. Trong số các bệnh nhân đang điều trị ngộ độc thì chị Thiết bị khá nặng. Chị Thiết nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, đau bụng vùng quanh rốn, buồn nôn, rung giật nhãn cầu, rung giật cơ, yếu chi và đang được các bác sĩ điều trị tích cực.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thiên Phúc, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, tất cả các bệnh nhân ngộ độc do ăn nấm mọc từ xác nhộng ve sầu đều đang được điều trị tích cực; riêng bệnh nhi 11 tuổi được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh. Quá trình tiếp nhận bệnh nhân từ tuyến dưới có 3 bệnh nhân có dấu hiệu bệnh nặng, lơ mơ, không tỉnh táo hoàn toàn, rung giật cơ, tay chân yếu không cử động được.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc trên, bác sĩ Phúc cho hay, trứng sau khi được ve sầu đẻ vào trong đất sẽ phát triển thành ấu trùng (hay còn gọi là nhộng ve sầu). Nhộng ve sầu nằm trong đất, có thể bị các bào tử nấm tấn công và sống ký sinh trên vật chủ, chúng sẽ thay thế các mô của vật chủ và mọc ra các thân cây dài. Các loại nấm này sẽ hút chất dinh dưỡng từ vật chủ khiến vật chủ chết và phát triển lớn lên bên ngoài của cơ thể vật chủ và chúng được gọi là đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, không phải loại nấm ký sinh trên vật chủ nào cũng có lợi cho sức khỏe con người, tuỳ theo tính chất đông trùng hạ thảo có thể là thức ăn bổ dưỡng hoặc gây độc cho con người.
Nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu người dân đào về ăn và gây ra tình trạng ngộ độc. Ảnh do người dân cung cấp. |
Thực tế cho thấy, dù các cơ quan chuyên môn đã đưa ra nhiều khuyến cáo về sự nguy hiểm khi ăn phải các loại nấm độc nhưng bất chấp những cảnh báo, nhiều người dân vẫn vô tư chế biến các loại nấm này thành thức ăn, thậm chí còn xem đây là "thần dược" để bồi bổ sức khỏe, điều trị bệnh mà không lường được hậu quả. Đáng lo, lầm tưởng nấm này là thảo dược quý hiếm, nhiều người đổ xô đi đào về rồi quảng cáo là đông trùng hạ thảo tự nhiên và mang bán kiếm tiền.
Năm 2022, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng đã tiếp nhận một số trường hợp người dân ngộ độc sau khi ăn nhộng ve sầu đào trong vườn nhà. Khoảng một tháng trở lại đây, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cũng đã tiếp nhận vài trường hợp ngộ độc sau khi ăn các loại nấm lạ. Trong đó, có một trường hợp bệnh nhân trú huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, sau khi ăn nấm lạ có triệu chứng ngộ độc rất nặng với tình trạng hôn mê phải thở máy, lọc máu, hiện vẫn đang được điều trị tích cực.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Thiên Phúc, không chỉ nấm mọc từ xác ve sầu mà những loại nấm mọc lên từ đất không rõ loại đều có thể gây ra tình trạng ngộ độc. Nhẹ thì nôn ói, đi cầu lỏng; nặng thì tổn thương gan thận, thần kinh gây hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong.
Hiện nay, ngộ độc nấm mọc từ xác ve sầu không có thuốc giải độc đặc hiệu mà chỉ điều trị hỗ trợ những triệu chứng bệnh nhân mắc phải. Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, cảnh giác trước những loại nấm lạ, không nên ăn các loại nấm được hái quanh vườn, quanh nhà, đặc biệt là trong mùa mưa. Không ăn các loại nấm có màu sắc sặc sỡ hoặc những nấm màu trắng nhưng bên trong có màu bất thường. Thậm chí ngay cả các loại nấm được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường trên cây nấm cũng không nên sử dụng.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc