Multimedia Đọc Báo in

Chủ động bảo đảm an toàn cho trẻ em

08:22, 14/06/2023

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng được chú trọng, quan tâm, song tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) vẫn còn xảy ra. Vì vậy, để hạn chế tối đa TNTT cho trẻ, ngoài sự nỗ lực của gia đình, các ngành chức năng, cần phải có sự chung tay của cộng đồng.

Trang bị kỹ năng từ gia đình

Gia đình anh Nguyễn Văn Chung (thôn Hiệp Đoàn, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) ở vùng sâu, cách xa khu trung tâm nên các con không có điều kiện đến các khu vui chơi. Mỗi dịp nghỉ hè, các cháu thường tự do đi chơi quanh xóm với bạn bè đồng trang lứa. Để đảm bảo an toàn cho các con, anh Chung đã cắt tỉa những cây to quanh nhà, nhất là những cành khô, mục, dạy các con bơi lội, cắm biển cảnh báo tại khu vực ao hồ, giếng quanh nhà và luôn căn dặn các con không được lại gần khu vực có biển báo và đi tắm sông, tắm suối mà không có người lớn đi cùng.

Thiếu nhi tại thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) vui chơi trong ngày hè.

Anh Chung chia sẻ: "Xem thông tin trên báo, đài, tôi biết được có nhiều tai nạn rất đáng tiếc đối với trẻ em, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè khi các con được nghỉ học còn người lớn thì đi làm. Vì thế, chúng tôi thường xuyên căn dặn các con tránh xa những nơi nguy hiểm, khi có tình huống bất trắc xảy ra phải hô hoán và kịp thời thông báo để mọi người xung quanh đến ứng cứu.

Nhắc lại việc con bị hóc dị vật đường hô hấp, chị Nguyễn Phương Mai (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị Mai kể: Tháng trước, con gái nhỏ 10 tháng tuổi của chị cho miếng thạch vào miệng rồi bị hóc, khó thở, tím tái. May mắn là hàng xóm kịp thời chạy đến xử lý nên cháu được an toàn. "Từ sự việc trên, tôi nhận ra mình đã bất cẩn trong chăm sóc con và thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để xử lý khi con gặp vấn đề về tai nạn thương tích nên đã tự trang bị, tìm hiểu kiến thức, cách xử lý tình huống thông qua các kênh hướng dẫn trên Youtube và các lớp tập huấn do các trung tâm tổ chức” - chị Mai chia sẻ.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Nhận thức được tầm quan trọng của việc quan tâm phòng tránh TNTT cho trẻ, những năm qua, các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể liên quan trong tỉnh đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao trách nhiệm và đảm bảo sự an toàn cho trẻ.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường các biện pháp phòng, chống TNTT ở trẻ em; xây dựng các văn bản triển khai hướng dẫn thực hiện công tác trẻ em tới các huyện, thị xã, thành phố. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức các lớp giáo dục trẻ em về kỹ năng an toàn cá nhân, tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, phát hiện, tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; kỹ năng tham gia giao thông an toàn, các sơ cứu người bị tai nạn, thương tích.

Phụ huynh cùng các em nhỏ đọc sách và trải nghiệm trò chơi tại Thư viện tỉnh.

Song song với đó, các tổ chức Đoàn, Đội cũng duy trì tổ hoạt động các câu lạc bộ: “Quyền trẻ em”, “Phóng viên nhỏ”, “Đội tuyên truyền măng non”; phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao do Đoàn quản lý (Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi…) để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu niên, nhi đồng; tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ em về kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng tránh các nguy cơ TNTT, bị bạo lực, xâm hại, bóc lột lao động, mắc các tệ nạn xã hội...

Để chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trong dịp hè, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 (từ ngày 1 đến 30/6), với chủ đề "Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em". Theo đó, các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em trong việc thực hiện Luật Trẻ em, các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; bảo đảm công tác chăm sóc cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh đặc biệt; trang bị kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; có trách nhiệm phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.