Multimedia Đọc Báo in

Để không lạc hướng, chệch dòng

08:36, 21/06/2023

Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công chúng có nhiều cơ hội, phương tiện tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, đa dạng. Trong dòng chảy thông tin hiện nay, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chính là “kim chỉ nam” để không lạc hướng, chệch dòng.

Với sự phát triển và bùng nổ của mạng Internet, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể nhanh chóng tiếp cận với “xa lộ thông tin toàn cầu”. Các mạng xã hội phát triển như: Facebook, Instagram, Zalo, TikTok… giúp mọi người gắn kết với nhau, truyền thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng nhất. Và bất kỳ ai cũng có thể trở thành “người truyền tin”.

Các nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk trong một lần tác nghiệp tại vùng ngập lụt của huyện Ea Súp.

Đơn cử như vụ việc nhóm người có vũ trang tấn công hai trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin) vừa qua, các trang mạng xã hội đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” để nhiều người thu thập, khai thác, lan truyền những thông tin liên quan. Trong đó, không ít người đã lợi dụng “tin nóng” được đông đảo công chúng quan tâm ấy để cắt ghép, chia sẻ, cung cấp những thông tin, hình ảnh bịa đặt, gây hoang mang, lo lắng. Mục đích của họ có thể đơn thuần chỉ là câu like (yêu thích), follow (theo dõi) nhằm tăng sự tương tác. Bên cạnh đó, có không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin, sự kiện ấy để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những trường hợp này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đứng trước dòng chảy thông tin ấy, người làm báo chân chính - chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng văn hóa không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, xâm nhập thực tế… ghi nhận, phản ánh thông tin kịp thời, trung thực, khách quan nhất, góp phần định hướng dư luận.

Trong thời đại công nghệ 4.0 và mạng xã hội ngày càng phát triển, thông tin kết nối toàn cầu, thách thức đặt ra đối với người làm báo hiện nay chính là việc thu thập, xử lý, kiểm soát và thẩm định thông tin. Điều này đòi hỏi mỗi người làm báo cần biết tận dụng thế mạnh của thông tin mạng một cách tỉnh táo, có kiểm chứng để không vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội đua voi Buôn Đôn

Luật Báo chí 2016 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã bổ sung những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Thực hiện quy định của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Trong đó nêu rõ, nhà báo phải “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Chuẩn mực là không phát ngôn, truyền tin trái với những phát ngôn, bài viết ở cơ quan báo chí của mình. Trách nhiệm là sự cân nhắc tác động của mỗi lời nói, hình ảnh, thông tin khi nhà báo đưa lên mạng xã hội.

Trong môi trường kết nối thông tin toàn cầu, đa nền tảng và làm báo đa phương tiện, đòi hỏi mỗi nhà báo càng phải tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, sự trung thực, khách quan, công tâm để tiếp cận, sàng lọc, khai thác và đưa tin một cách chính xác, kịp thời. Việc sàng lọc, kiểm chứng thông tin, phát huy trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà báo còn góp phần đấu tranh phản bác lại thông tin xấu, độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch, giữ vững tinh thần của báo chí cách mạng, bản lĩnh của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.