Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả Đề án 938

08:08, 02/06/2023

Thực hiện Đề án 938 “Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động, chương trình thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, bảo vệ phụ nữ, góp phần đáng kể vào việc hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện.

Đa dạng cách thức truyền thông

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm mô hình truyền thông Đề án 938.

Tại chương trình này, Hội Phụ nữ các địa phương, đơn vị trực thuộc đã mang đến các sản phẩm truyền thông độc đáo, sáng tạo và ý nghĩa, thể hiện rõ sự am hiểu sâu các vấn đề xã hội mà phụ nữ đang quan tâm như: Phòng, chống bạo lực gia đình/ bạo lực trên cơ sở giới; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm; giáo dục phẩm chất đạo đức; tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Đơn cử như tiểu phẩm sân khấu hóa “Tổ ấm gia đình” của Hội LHPN huyện Krông Năng. Bằng việc xây dựng kịch bản lấy bối cảnh là cuộc họp mặt gia đình nhiều thế hệ, những thông điệp tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới đã được chuyển tải khéo léo qua những lời thoại và hành động của các nhân vật, từ đó giúp công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả tích cực với người xem.

Tiết mục sân khấu hoá tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình của Hội Phụ nữ Công an tỉnh.

Bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho hay: “Sân khấu hóa là hình thức truyền thông mang lại nhiều thông điệp, dễ tiếp cận tới đối tượng được truyền thông đã được các cấp Hội thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc. Mục đích chính của phần thi sản phẩm truyền thông Đề án không đặt nặng tính hơn thua, thành tích, mà quan trọng chính là tinh thần giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ nội dung, hình thức truyền thông cũng như cách thức tiếp cận và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc tại cơ sở mà chị em quan tâm, tham gia giải quyết”.

 

“Kết thúc giai đoạn 1 (2017 – 2022), có thể thấy Đề án 938 đã thúc đẩy, vận động cộng đồng chung tay hỗ trợ phụ nữ và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em, nâng cao vai trò tham gia quản lý nhà nước của các cấp Hội Phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước" - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tô Thị Tâm.

Tại huyện Krông Ana, các cấp Hội Phụ nữ cũng đã đa dạng hóa nội dung, hình thức, kênh truyền thông, giáo dục tại cộng đồng phù hợp với từng nhóm đối tượng theo phạm vi can thiệp của Đề án. Trong đó chú trọng truyền thông bằng điển hình tích cực; nâng cao chất lượng và phát huy mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên tại cộng đồng trong chuyển tải thông điệp truyền thông của Đề án đến các nhóm đối tượng phụ nữ khác nhau; vận động, hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi hành vi; tổ chức các cuộc hội nghị, tọa đàm, họp mặt điển hình phụ nữ tiêu biểu về tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ.

Nâng cao nhận thức phụ nữ với các vấn đề xã hội

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 938 tại các địa phương, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động giải quyết tốt những vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Thông qua các buổi sinh hoạt, tập huấn, các cấp Hội đã lồng ghép tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ những vấn đề về dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc, nuôi dạy con; phòng, chống bạo lực gia đình; an toàn thực phẩm; đồng thời vận động hội viên phụ nữ tham gia các phong trào thi đua, tham gia bảo vệ môi trường... Đến nay, đã có hàng nghìn cuộc tuyên truyền được tổ chức dưới nhiều hình thức; có trên 1 triệu lượt hội viên phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về pháp luật; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới…

Thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ khỏe đẹp thôn An Phú, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) cùng tham gia tập dân vũ.

Bên cạnh đó, để giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ tham gia giám sát, phản biện, đề xuất chính sách, giải quyết vụ việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái được thành lập và nhân rộng. Từ năm 2017 đến nay, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng trên 600 mô hình dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và gia đình với hơn 13.000 thành viên tham gia. Trong đó có một số mô hình hoạt động hiệu quả như: Mô hình “Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh”, Tổ tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, Chi hội phụ nữ ba an toàn, Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật; Nhóm cha mẹ có con từ 0 - 8 tuổi, Câu lạc bộ Phụ nữ khỏe đẹp... Ngoài ra, các cơ sở hội tiếp tục kiện toàn các mô hình phù hợp với địa phương, hướng tới mục tiêu mỗi cơ sở hội có ít nhất một mô hình hiệu quả về hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.

Hiện nay, các cấp Hội trong tỉnh đã thành lập được 254 đoàn chủ trì giám sát và trực tiếp tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Qua giám sát, các cấp Hội đã phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn và kịp thời đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng giải quyết, khắc phục kịp thời đối với các trường hợp chưa được hưởng chế độ theo quy định.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.