Multimedia Đọc Báo in

Phụ huynh thấp thỏm chờ con thi

15:58, 29/06/2023

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi mang tính chất bước ngoặt sau 12 năm đèn sách của học sinh. Hàng nghìn phụ huynh đã gác mọi công việc để đưa con đến điểm thi, đồng hành cùng con trong những ngày diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (gọi tắt là Kỳ thi).

Gác công việc để đồng hành cùng con

Cách trung tâm huyện Krông Bông hơn 35 km, đường sá đi lại khó khăn, muốn đến Điểm thi Trường THPT Krông Bông phải mất hơn 1 giờ đồng hồ nên từ ngày 27/6, chị Trần Thị Lan (xã Cư Drăm) đã gác công việc thu mua dứa với thu nhập đáng kể để đưa con đi thi. Chị Lan bộc bạch: “Đây là thời điểm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời con, chỉ lo một sơ suất nhỏ nào làm ảnh hưởng đến công đèn sách suốt 12 năm trời. Vì vậy, mấy đêm nay tôi ngủ không yên giấc, nhưng nhìn con đang chăm chỉ học bài, tôi phải tỏ ra điềm tĩnh, giấu nỗi lo cho riêng mình, căn dặn con giữ gìn sức khỏe để hoàn thành tốt bài thi”.

Phụ huynh đợi con tại Điểm thi Trường THPT K rông Bông (Ảnh: Khánh Huyền)
Phụ huynh đợi con tại Điểm thi Trường THPT Krông Bông. Ảnh: Khánh Huyền

Được biết, con gái chị Lan có học lực khá, có nguyện vọng theo học một trường đại học ở Đà Nẵng. Gia đình làm nông rất vất vả nên chị cố gắng tạo điều kiện cho con cái thi cử, học hành cao hơn để thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vất vả.

Phụ huynh dặn dò con trước khi bước vào Điểm thi Trường THPT Cư Mgar
Phụ huynh dặn dò con trước khi bước vào Điểm thi Trường THPT Cư M'gar. Ảnh: Huyền Diệu

Suốt những ngày thi, sáng nào bà H’Nhơn Niê (54 tuổi, buôn Croa C, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar) cũng dậy từ 5 giờ sáng để chở con trai đến Điểm thi Trường THPT Cư M’gar cho kịp giờ thi; rồi hết đứng lại ngồi đợi con suốt buổi thi. Bà H’Nhơn Niê tâm sự: “Nhà ít đất sản xuất, chồng lại bị tai biến không tham gia lao động được nhưng nghĩ rằng học tốt thi tốt sẽ là cơ hội con có cuộc sống tốt hơn trong tương lại nên tôi luôn nỗ lực làm việc để lo cho hai người con của mình học hành đến nơi đến chốn. Đến nay, con gái đầu đã ra trường và có việc làm, còn con trai sau khi thi tốt nghiệp xong tôi cũng sẽ cố gắng làm lụng lo cho con học lên cao nữa để sau này có ngành nghề ổn định, đỡ vất vả”.

Hy vọng nhiều nhưng không đặt áp lực lên con

Hiện nay, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Bên cạnh những lợi thế về đất đai, khí hậu thì việc sản xuất của nông dân đang phải chịu tác động mạnh mẽ của thị trường, biến đổi khí hậu và sức ép cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, sự phát triển bền vững của hệ sinh thái nông nghiệp. Việc đặt kỳ vọng vào thế hệ trẻ để khai thác, phát triển kinh tế gia đình là điều dễ hiểu của người dân địa phương. Trong đó, thi đậu tốt nghiệp và sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng là một trong những lối đi được nhiều phụ huynh chọn lựa.

Phụ huynh đưa con đến Điểm thi
Phụ huynh đưa con đến Điểm thi Trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin. Ảnh: Khánh Huyền

Đây là lần thứ tư đưa con đi thi nhưng chị Nguyễn Thị Quỳnh (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) vẫn luôn có cảm giác hồi hộp khi ngồi chờ con bên ngoài khu vực thi. Chị Quỳnh bày tỏ: “Lần này đưa con gái út đi thi tôi lại thấy hồi hộp hơn trước bởi 3 đứa con đầu đứa nào cũng đậu đại học và đã có công việc ổn định, nên con gái út cảm thấy áp lực trước cánh cổng Đại học . Nhiều đêm con đã tâm sự sợ bản thân không thành đạt như các chị, tôi phải khuyên bảo, động viên mỗi người có một thế mạnh riêng và mong muốn con thoải mái, tự tin vào phòng thi, bình tĩnh làm bài để đạt kết quả tốt nhất nhằm xét tuyển vào Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh”.

Phụ huynh xếp hàng dài chờ con em tại điểm thi THPT Phan Bội Châu (huyện Krông Năng)
Phụ huynh thấp thỏm chờ con em tại Điểm thi THPT Phan Bội Châu, huyện Krông Năng. Ảnh: Vân Anh

Ông Phạm Thanh Hải (phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ) lần đầu có con đi thi nên mặc dù nhà cách điểm thi chỉ hơn 2 km nhưng ông vẫn nán lại trước cổng trường chờ con. Ông kể rằng, sát ngày thi mà con vẫn còn thức ôn bài đến 1-2 giờ sáng, nhiều lần ngủ gục trên bàn học, gia đình lo lắng cho sức khoẻ nên động viên nghỉ ngơi nhưng cháu vẫn quyết tâm ôn luyện. Cha mẹ động viên con bình tĩnh, không gây áp lực cho con nhưng thực sự ngồi chờ ngoài điểm thi còn cảm thấy hồi hộp hơn. “Chỉ mong các con tự tin, bình tĩnh để đạt kết quả tốt nhất để đăng ký xét tuyển vào ngành mà con muốn trong đầu tháng 7 tới”, ông Hải tâm sự.

Ánh mắt lo lắng của phụ huynh hướng về khu vực điểm thi  Trường THPT Chuyên Nguyễn Du sau kết thúc môn Ngữ văn. Ảnh: Hoàng Tuyết
Ánh mắt lo lắng của phụ huynh hướng về khu vực điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Du sau kết thúc môn Ngữ văn. Ảnh: Hoàng Tuyết

Chị Phạm Thị Hoa (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) có con trai học lớp chuyên Tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, 3 giờ sáng ngày 28/6, chị đã dậy nấu ăn để bảo đảm vệ sinh cho cả nhà, nhất là cho con trai. Tối 27/6, con trai dặn 4 giờ sáng gọi dậy để ôn bài, củng cố lại kiến thức, sợ dậy nấu ăn làm con tỉnh giấc nên mọi việc chị đều phải nhẹ nhàng từng tí một. Từ nhà đến Điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Du  khoảng 25 km chỉ mất 40 phút nhưng 5 giờ hơn vợ chồng chị và con trai đã bắt đầu xuất phát để chủ động trong di chuyển.  “Dù con học chuyên Anh, khá tin tưởng vào khả năng của con nhưng vẫn thấy bồn chồn, khi nghe tiếng trống báo hiệu giờ vào thi tự nhiên nhịp tim chị đập liên hồi, chỉ mong rằng ở các môn không phải thế mạnh con nắm vững kiến thức và thi đạt kết quả tốt nhất” chị Hoa tâm sự.

Nhiều hoạt động hỗ trợ thí sinh và người nhà

Cùng hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước, hơn 20 ngàn thí sinh Đắk Lắk đã tham gia Kỳ thi tại Đắk Lắk theo đúng lộ trình chung Bộ GD-ĐT đề ra.

Đội hình tiếp sức mùa thi tại Điểm thi Trường THPT Ea Súp, huyện Ea Súp (Ảnh: Huyền Diệu)
Đội hình tham gia tiếp sức mùa thi tại Điểm thi Trường THPT Ea Súp, huyện Ea Súp sáng 29/6. Ảnh: Huyền Diệu

Để bảo đảm công tác tổ chức theo hướng an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không để thí sinh phải bỏ thi vì khó khăn hay đi lại, trước đó Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Đắk Lắk (Ban Chỉ đạo thi tỉnh) đã quán triệt đến các cấp, ngành, địa phương phối hợp hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh. Qua đó đã san sẻ, đồng hành cùng sĩ tử, giúp các em có tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng để làm bài thi tốt nhất.

Phụ huynh đưa con đến Điểm thi Trường THPT Ea Hleo
Phụ huynh đưa con đến Điểm thi Trường THPT Ea H'leo. Ảnh: Vân Anh

Ông Nguyễn Văn Đạt (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) có con dự thi Điểm thi Trường THPT Ea H’leo kể: “Nhà cách xa điểm thi hơn 20 km nên sáng nào cả gia đình cũng dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị mọi thứ cho con. Cháu vừa vào phòng thi cũng là lúc tôi tất bật đi kiếm chỗ ăn nghỉ cho hai cha con và rất may được các bạn thanh niên tình nguyện giới thiệu đến Khu bán trú dân nuôi của Trường THPT Ea H’leo để nghỉ chân; hai cha con được bố trí riêng một phòng, được các bạn hỗ trợ cơm nước miễn phí, cháu có không gian để nghỉ ngơi, ôn tập sau mỗi buổi thi. Ngày thi đầu tiên, cả 2 môn Văn và Toán cháu đều tự tin làm tốt bài thi nên gia đình cũng yên tâm hơn. Mong rằng cháu sẽ nỗ lực hoàn thành những môn thi còn lại, đạt kết quả xứng đáng, có hành trang tốt vào đời sau này”.

Cảnh sát giao thông tuần tra quanh các điểm thi tại phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột sáng 29/6
Lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tại các điểm thi ở phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột sáng 29/6. Ảnh: Thanh Hường

Ông Phạm Đăng Khoa, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi tỉnh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, việc hỗ trợ, đồng hành cùng sĩ tử được thực hiện qua nhiều hình thức như: nhà trường tổ chức xe đưa đón thí sinh miễn phí; phát bánh mì và nước uống tại điểm thi; bố trí chỗ ăn, nghỉ cho thí sinh trong hệ thống các trường nội trú, bán trú gần điểm thi…

Lực lượng thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi sáng 29/6 tại Điểm thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh
Lực lượng thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi sáng 29/6 tại Điểm thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Ảnh: Thanh Hường

Sáng 29/6, thí sinh tham gia bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội; buổi chiều thí sinh dự thi bài thi cuối cùng là Ngoại ngữ. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng. 

Nhóm Phóng viên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.