Multimedia Đọc Báo in

Thị trường lao động trong 6 tháng cuối năm 2023 chưa hết khó khăn

19:07, 23/06/2023

Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (thuộc Sở LĐ-TBXH) phấn đấu tư vấn việc làm, nghề nghiệp, xuất khẩu lao động, các chế độ chính sách cho 22.000 lượt lao động; và giới thiệu việc làm cho 7.600 lượt người, trong đó 2.400 người có việc làm sau khi giới thiệu.

Để chắp nối việc làm hiệu quả trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động ở quy mô nhỏ, các ngành sản xuất, kinh doanh chủ yếu là thương mại, dịch vụ nên các vị trí việc làm cần tuyển tập trung ở nhóm lao động chân tay, lao động có trình độ, tay nghề chưa nhiều dẫn đến mức lương và chế độ phúc lợi còn thấp; và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh suy giảm đòi hỏi sự nỗ lực, năng động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk trong thực hiện nhiệm vụ nhằm giúp người lao động trong tỉnh tiếp cận các thông tin chính thống trong lĩnh vực lao động, việc làm, xuất khẩu lao động.

1
 Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm tại xã Ia R'vê (huyện Ea Súp). Ảnh: Hoàng Ân

Một trong những giải pháp quan trọng để kết nối cung cầu lao động hiệu quả được Trung tâm xác định và dốc sức thực hiện ngay từ đầu năm và tiếp tục duy trì là phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt là phiên giao dịch việc làm lưu động với hình thức, nội dung, đối tượng đa dạng.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm đã có 40 phiên giao dịch việc làm, 4 ngày hội việc làm, 2 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động được Trung tâm tổ chức thành công tại các địa phương thu hút hơn 100 lượt doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh cùng tham gia, với tổng nhu cầu tuyển dụng 19.455 lao động và hơn 7.300 lượt người lao động tham gia

Cùng với đó, Trung tâm còn tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để cung cấp thông tin về việc làm, thị trường lao động thông qua nền tảng mạng xã hội faceboook, zalo. Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Trung tâm tiếp tục đưa vào ứng dụng mã QR thu thập nhu cầu tìm kiếm việc làm. Đây là giải pháp bổ sung cho việc phát tờ rơi tuyên truyền, thông tin tuyển dụng lao động bằng phương pháp truyền thống, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả tìm kiếm việc làm cho người lao động.

1
 Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tư vấn miễn phí cho người lao động huyện Ea Kar. Ảnh: Hồng Thắm

Trong công tác xuất khẩu lao động, chưa bao giờ thị trường lại có nhiều biến động không ngừng như lúc này. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã nhanh chóng thích ứng và có sự điều chỉnh kịp thời để tư vấn, hỗ trợ người lao động tốt nhất khi tham gia xuất khẩu lao động, đặc biệt là các thị trường mới: như: Singapore, Úc, Rumani bên cạnh những thị trường truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH) hướng dẫn kịp thời các nội dung liên quan Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) để tham gia các kỳ thi, thủ tục xuất cảnh... Thông qua Trung tâm, 6 tháng đầu năm đã có 102 lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, trong đó chương trình EPS 77 người.

Một sự nỗ lực trong công tác xuất khẩu lao động của của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk là lần đầu tiên đã kết nối thành công với Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Thăng Long DIH (TP. Hồ Chí Minh) tư vấn, tuyển dụng 19 lao động trên địa bàn tỉnh và đã có 8 lao động trúng tuyển đơn hàng sang Nhật Bản làm việc với chi phí "0 đồng".

 

Nửa cuối năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk phấn đấu tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho khoảng 14.000 lượt người; giới thiệu việc làm cho 4.000 người, trong đó khoảng 1.200 người có việc làm sau giới thiệu.

Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết, mặc dù kinh tế của đất nước, của tỉnh có nhiều khởi sắc, nhưng sau đại dịch COVID -19 vẫn chịu tác động nên thị trường lao động vẫn chưa hết khó khăn. Các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động từ nay đến cuối năm không cao so với 6 tháng đầu năm 2023. Và qua kết quả tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho thấy số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh tăng.

Với chức năng tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung ứng lao động, việc làm cho doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk sẽ phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng, trường nghề trong tỉnh tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên nhằm cung cấp thông tin về thị trường lao động, định hướng nghề nghiệp; phổ biến, tuyên truyền các chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp… để các em có kiến thức khi tham gia vào thị trường lao động sẽ quyết định kết nối cung - cầu lao động hiệu quả.

Song song đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp, người lao động để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm kiếm việc làm để nâng cao hiệu quả của công tác chắp nối cung, cầu lao động trong và ngoài nước. Tăng cường hoạt động thu thập thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống để đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp lựa chọn việc làm, học nghề phù hợp.

Nguyên Thắm 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.