Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo bệnh tay chân miệng gia tăng đột biến

08:21, 29/08/2023

Những ngày qua, toàn tỉnh ghi nhận số bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tăng đột biến. Nhiều ca bệnh diễn biến nặng và hiện đã có 2 trường hợp tử vong.

Số ca mắc TCM tăng đột biến

Chăm sóc con trai mới 9 tháng tuổi mắc bệnh TCM tại phòng nhi nặng, khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), chị Phan Thị Hảo (33 tuổi, trú phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, vài ngày trước, con trai chị bị sốt nhẹ, vì đang giai đoạn trẻ mọc răng nên gia đình chỉ theo dõi tại nhà. Sau đó, bé có dấu hiệu nôn ói bất thường, gia đình đưa đi khám bệnh tại phòng khám tư nhân thì phát hiện bé nổi hạt trong họng, chẩn đoán bị TCM.

Một ngày sau, bé sốt cao 39,5 độ, li bì, giật mình nhiều, khi nhập Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị thì bệnh TCM đã ở độ 2B (tình trạng bệnh đang dần trở nên nặng hơn). Trước đó, bé trai này có chơi cùng với trẻ bị TCM và lây bệnh. Hiện bé đã hết sốt, còn mệt, ăn kém và đang được các bác sĩ theo dõi, chăm sóc tích cực.

Bệnh nhi mắc TCM độ 2B đang được sử dụng monitor theo dõi tình trạng sức khỏe.

Cũng như chị Hảo, bà Bùi Thị Chuyên (ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) như “ngồi trên đống lửa” khi chăm sóc cháu trai 2 tuổi bị TCM. Cháu trai bà Chuyên hiện đang học mầm non, vài ngày trước sốt nhẹ, gia đình đưa đi khám tại phòng khám tư nhân thì được chẩn đoán bị viêm họng, cho theo dõi tại nhà. Chỉ 1 ngày sau, bé sốt cao, quấy khóc, bỏ ăn, giật mình, khi khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thì phát hiện mắc TCM độ 2B phải nhập viện ngay để điều trị.

Bác sĩ H’Thu Mlô, Trưởng phòng Nhi nặng, khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) thông tin, thời gian qua bệnh TCM có chiều hướng gia tăng đột biến với số ca nhập viện điều trị lên đến 20 ca/ngày. Bệnh nhi nhập viện điều trị ở khoa Nhi tổng hợp chủ yếu là ca bệnh nặng được chuyển lên từ các phòng khám. Nhiều trường hợp nhập viện với độ 2B trở lên, trẻ sốt cao liên tục, mạch rất nhanh so với lứa tuổi, trẻ giật mình nhiều, yếu tay chân, có trẻ run tay chân phải điều trị thuốc đặc hiệu. Để bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh, khoa Nhi tổng hợp hiện đang phân luồng bệnh nhân, phân khu giữa các ca bệnh nhẹ và ca bệnh nặng cần theo dõi bằng monitor để theo sát 24/24. Đáng nói, do số ca mắc bệnh tăng đột biến nên thuốc điều trị TCM hiện đang tạm hết, bệnh viện phải sử dụng thuốc thay thế trong khi chờ nguồn bổ sung, dẫn đến công tác khám chữa bệnh cũng gặp không ít khó khăn.

Bệnh diễn tiến nặng

Chị H’Hiền Priêng (29 tuổi, trú buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) có con gái 3 tuổi, hiện đang tích cực chăm sóc để con sớm hồi phục. Cách đây khoảng 20 ngày, cháu H’Thương Priêng có dấu hiệu lở miệng, đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Cư Jút được bác sĩ kê đơn 5 ngày điều trị tại nhà. Khoảng 2 ngày sau, trẻ sốt cao li bì, nôn ói, run rẩy chân tay, giật mình nhiều được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên do mắc TCM. Lúc này, bệnh tình của trẻ đã rất nặng, chuyển sang hôn mê, phải thở máy. Sau khi hội chẩn toàn bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu cho trẻ và tích cực chăm sóc, điều trị.

Bệnh nhi mắc TCM nặng phải tiến hành lọc máu và dùng máy thở tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo bác sĩ CKII H’El Êban, Phó trưởng khoa Nhi hồi sức cấp cứu và Nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận 28 ca TCM nặng và hiện đang điều trị 4 ca. Từ tháng 6, khoa bắt đầu tiếp nhận trẻ nhập viện với các biểu hiện sốt, co giật. Trường hợp nặng thì sốt cao, nôn ói kèm theo tiêu chảy, run giật tay chân, đi lảo đảo, nhiều ca chuyển từ các tuyến huyện lên với tình trạng rất nặng như phù phổi cấp, hôn mê, ngưng thở phải thở máy, lọc máu… Như trường hợp bệnh nhi tử vong mới đây do mắc TCM được chuyển lên từ Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc bệnh đã rất nặng, diễn tiến rất nhanh có biểu hiện viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết, điều trị thời gian ngắn bệnh nhân không thể qua khỏi.

Đáng chú ý, khác với những năm trước, bệnh nhân nhập viện điều trị TCM năm nay các biểu hiện lâm sàng như nổi mọng nước trên bàn tay, bàn chân không điển hình, chỉ rải rác vài nốt, khó nhận biết triệu chứng và khi nhập viện thì bệnh đã chuyển nặng. Chính vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục, tiêu chảy, nôn ói hay có biểu hiện đi lảo đảo, co giật, gia đình cần đưa đến trung tâm y tế gần nhất hoặc chuyển lên tuyến trên để điều trị càng sớm càng tốt.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 900 ca mắc TCM, 2 trường hợp tử vong. Chỉ riêng tháng 8/2023 đã có hơn 300 trường hợp mắc TCM. Một số địa phương có số ca mắc cao như: TP. Buôn Ma Thuột, Lắk, Krông Pắc, Cư M’gar, Buôn Hồ, Ea H’leo…

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.