Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm làm chiến sĩ hải quân

08:10, 08/08/2023

Chương trình “Học kỳ Hải quân” do Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Học viện Hải quân vừa tổ chức đã mang đến những trải nghiệm mùa hè mới mẻ cho thanh thiếu nhi.

Nhân lên tình yêu biển đảo

Sau lễ xuất quân và chia tay gia đình, 60 chiến sĩ nhí từ 12 - 17 tuổi mang theo hành trang lên xe di chuyển về Học viện Hải quân (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để bắt đầu hành trình trải nghiệm.

Đến với vùng đất mới, chuyến xe đầu tiên đưa các em đến Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. Tại nơi đây, các bạn nhỏ đã được ôn lại truyền thống lịch sử về trận chiến trên đảo Gạc Ma, tinh thần yêu nước của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam; cùng dâng những nén hương thơm để tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc về những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Các chiến sĩ nhí tham quan Tàu buồm 286 Lê Quý Đôn.

Trong chuyến hành trình lần này, các bạn nhỏ còn được tham quan Tàu buồm 286 Lê Quý Đôn, được trực tiếp nhìn thấy con tàu to lớn và hiện đại như những tòa nhà cao tầng và nghe giới thiệu về quá trình huấn luyện trên tàu buồm, để cảm nhận được sự vất vả của các chiến sĩ hải quân, thủy thủ trên tàu. Đồng thời còn được đến thăm, cùng trò chuyện và trao tặng cờ Tổ quốc cho các ngư dân. Việc trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân để treo lá cờ đó trên mỗi con tàu ra khơi là việc làm hết sức ý nghĩa bởi mỗi ngư dân là một "cột mốc sống" về chủ quyền. Mỗi lá cờ tung bay trên vùng biển của chúng ta khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên, khích lệ ngư dân phát huy truyền thống yêu nước, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, lan tỏa tinh thần yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và đặc biệt là giúp bà con ngư dân vững tâm vươn khơi, bám biển.

Chiến sĩ nhí Lê Hữu Dũng hào hứng: “Ngay khi bước vào kỳ nghỉ hè, em đã xin ba mẹ đăng ký tham gia chương trình để được trải nghiệm. Tại học kỳ lần này, em và các bạn  được chia thành các tiểu đội, cùng nhau học tập, sinh hoạt tập thể. Không chỉ được tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về biển đảo quê hương, chúng em còn được thể hiện tình yêu biển đảo của mình thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, được rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết, bổ ích. Và có lẽ, đây sẽ là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của các chiến sĩ nhí ở ngôi nhà chung Học kỳ Hải quân”.

Trải nghiệm để trưởng thành

Để chương trình diễn ra thành công, Ban tổ chức đã nghiên cứu, sắp xếp khoa học, hợp lý, bảo đảm nội dung phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em. Theo đó, các đơn vị đã phối hợp xây dựng nội dung dựa trên sự tương tác giữa môi trường quân đội, tạo ra các yếu tố đặc trưng như tính kỷ luật, tập thể, tự giác, rèn luyện đức tính tốt đẹp của người lính. Sống trong môi trường tập thể, các em phải luôn đề cao tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và tác phong nhanh nhẹn trong mọi hoạt động.

Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, các em đã dần thích nghi với cuộc sống chiến sĩ Hải quân với các chế độ trong ngày, trong tuần. Đúng 5 giờ sáng mỗi ngày, khi tiếng kẻng của Học viện vang lên, tất cả các chiến sĩ cùng nhau thức dậy hô tác phong, gấp nội vụ và nạp năng lượng sẵn sàng cho các hoạt động. Những cô cậu học trò nhỏ mới ngày nào còn quen được nuông chiều, chưa từng dậy sớm hay rất ít phụ việc nhà thì nay đã tự mình làm mọi việc một cách thuần thục.

Trải nghiệm trong những ngày làm chiến sĩ hải quân đã giúp các em hiểu thêm về cuộc sống của người lính, về trách nhiệm bản thân với biển đảo Tổ quốc. Bên cạnh đó, các em còn được tham quan dã ngoại, giao lưu văn hóa, thể thao, múa hát, trò chơi, dân vũ, tham gia team building, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Chiến sĩ nhí học cách sơ cấp cứu.

Nhằm trang bị các kỹ năng nhận biết, phòng, chống tình huống nguy hiểm có thể xảy ra cho các chiến sĩ hải quân nhí, nâng cao khả năng hoạt động nhóm, Ban tổ chức đã đưa vào các nội dung như: sơ cứu, băng bó vết thương, phòng, chống đuối nước… giúp các bạn nhỏ chủ động hơn trong phòng tránh những sự cố ngoài ý muốn, ngoài ra, còn có thể chia sẻ, giúp đỡ và xử lý kịp thời các tình huống tai nạn xảy ra khi gặp người bị thương.

Đêm diễn ra chương trình cảm xúc "Đi để trở về" có lẽ là đêm khó quên nhất đối với các chiến sĩ nhí trong chuyến hành trình lần này. Trải qua những ngày sống xa gia đình, khi bất ngờ nhận được những lá thư chứa đầy tình cảm, sự yêu thương, mong ngóng của bố mẹ và những người thân yêu, các chiến sĩ nhí đều nhận ra tình cảm thiêng liêng, gắn bó của gia đình. Kết thúc hành trình nhưng khi nhắc về buổi tối đầy ý nghĩa ấy, bạn nhỏ Nguyễn Phương Uyên vẫn không giấu nổi xúc động: “Nhờ có những dịp như thế này mà chúng em mới nhận ra rằng, gia đình không chỉ là nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên, không chỉ là nơi có những người thân yêu mà còn là nơi chúng ta được yêu thương, được chở che, khi vấp ngã luôn là điểm tựa cho chúng ta đứng dậy... Và gia đình là nơi luôn đợi chúng ta trở về”.

Anh Trần Doãn Tới, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình chia sẻ: Hành trình 6 ngày của “Học kỳ Hải quân” là một bước khởi đầu, khơi gợi và đặt nền móng cho nhận thức, thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy, hành động của thanh thiếu nhi. Trở về với gia đình, chúng tôi mong các em sẽ duy trì thói quen tốt, tiếp tục học tập, rèn luyện để ngày một hoàn thiện hơn, trưởng thành, bản lĩnh hơn. Đó sẽ là động lực để “Học kỳ Hải quân” trở thành điểm hẹn trải nghiệm, rèn luyện bổ ích của các bạn nhỏ mỗi dịp hè về.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.