Multimedia Đọc Báo in

"Giữ lửa" nghề làm lồng đèn truyền thống

08:19, 26/09/2023

Thị trường lồng đèn trung thu luôn đa dạng mẫu mã, giá cả. Tuy nhiên những chiếc lồng đèn truyền thống được làm bằng tay, bọc giấy kiếng vẫn được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em mình. Điều này đã tiếp thêm động lực cho những người đã gắn bó cả đời mình cho món đồ chơi dân gian này.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu, tại ngôi nhà nằm trên đường Điện Biên Phủ (TP. Buôn Ma Thuột), ông Vũ Văn Đức vẫn miệt mài ngồi làm những chiếc lồng đèn với đầy đủ hình thù như: ông sao, con thỏ, chiếc gùi, kéo quân… để kịp giao cho khách. Đã hơn mười năm nay, ông Đức gắn bó với những chiếc lồng đèn mỗi khi dịp Tết Trung thu về. Tuy đây không phải là nghề mang lại thu nhập chính của gia đình nhưng ông Đức vẫn rất tâm huyết để tạo nên những chiếc lồng đèn đầy màu sắc. “Tôi làm lồng đèn chủ yếu vì muốn lan tỏa niềm vui Tết Trung thu đến các cháu thiếu nhi và giữ được nét đẹp truyền thống”, ông Đức chia sẻ.

Chiếc lồng đèn con thỏ độc đáo do ông Vũ Văn Đức (đường Điện Biên Phủ, TP. Buôn Ma Thuột) làm ra.

Ông Phan Văn Lợi (tổ dân phố 6, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) đã gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống hơn 30 năm nay. Mặc dù đã 75 tuổi, ông vẫn tâm huyết ngồi chỉ bảo các con cùng tạo nên những chiếc lồng đèn truyền thống để bày bán trong dịp Tết Trung thu. Anh Phan Văn Tâm (con trai ông Lợi) cho biết, từ nhỏ đã thấy bố mẹ làm lồng đèn nên cũng phụ làm và rồi anh biết nghề lúc nào không hay. Đến nay, tuy có công việc riêng, nhưng anh vẫn tranh thủ buổi tối, giờ rảnh để vót nan tre hoặc ráp khung phụ giúp cả gia đình. “Mỗi dịp này, gia đình tôi đều phân công công việc cụ thể, người thì vót nan tre hoặc ráp khung, người thì cắt hoa văn, người dán giấy kiếng… Tôi thấy đây là cơ hội để gia đình cùng nhau tụ họp, gắn kết và thể hiện tình đoàn kết”, anh Tâm chia sẻ.

Theo ông Lợi, ngoài chất lượng thì hình thức chiếc đèn lồng là yếu tố quan trọng để thu hút khách. Những chiếc lồng đèn của gia đình ông làm ra khác biệt ở chỗ những bông hoa, phụ kiện trang trí đều được làm thủ công. Hàng trăm mẫu hoa được ông cắt tỉa khéo léo theo yêu cầu và sở thích của khách hàng. Từ đầu mùa đến nay, gia đình ông Lợi đã bán khoảng 1.000 chiếc lồng đèn, thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Tại gia đình ông Phan Văn Lợi (tổ dân phố 6, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc), mỗi người làm một công đoạn khác nhau để tạo nên chiếc lồng đèn sinh động.

Con gái thứ ba của ông Lợi, chị Phan Thị Mỹ Hạnh (tổ dân phố 6, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) cùng chồng cũng học nghề từ bố và bắt tay vào làm lồng đèn truyền thống từ năm 2000. Gia đình mở tiệm bán quần áo và nước uống nên chị Hạnh cùng chồng tranh thủ tất cả thời gian rảnh để làm lồng đèn kịp gửi cho khách. Cứ mỗi dịp Tết Trung thu, chị lại thuê thêm ba người làm thời vụ phụ dán giấy kiếng, trang trí lồng đèn… Đối với chị Hạnh, nghề làm lồng đèn tuy chỉ kéo dài vài tháng và không có lợi nhuận cao, nhưng lại mang đến nhiều niềm vui khó tả khi duy trì được nét đẹp truyền thống của gia đình. Đặc biệt, niềm vui như được nhân đôi khi nhiều “khách hàng nhí” vẫn lựa chọn lồng đèn truyền thống giữa những món đồ chơi hiện đại khác.

Bích Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.