Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm xã hội huyện Ea Kar: Nhiều giải pháp thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT

08:37, 15/11/2023

Trước tình trạng doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động chiếm tỷ lệ cao, BHXH huyện Ea Kar đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thu hồi nợ đọng, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

BHXH huyện Ea Kar hiện đang quản lý thu 287 đơn vị với gần 6.000 lao động. Tính đến cuối tháng 10/2023, BHXH huyện đã thu được 132,74 tỷ đồng (đạt 74% kế hoạch giao). Tuy nhiên, tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN đang ở mức cao (chiếm 6,1% kế hoạch thu), với tổng số nợ trên 11 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp có thời gian nợ kéo dài từ 8 - 10 tháng với số tiền nợ từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Lãnh đạo BHXH huyện Ea Kar trực tiếp làm việc với Công ty TNHH MTV Cà phê 52 nắm tình hình sản xuất kinh doanh và đôn đốc thu hồi nợ bảo hiểm của doanh nghiệp.

Ông Mai Đức Cường, Phó Giám đốc BHXH huyện Ea Kar cho biết: Mặc dù số nợ bảo hiểm 10 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng so với chỉ tiêu BHXH tỉnh giao vẫn chưa đạt là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nên khó thu hồi được nợ. Thêm vào đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị gặp nhiều khó khăn dẫn đến những đơn vị nợ khó thu có chiều hướng gia tăng.

Chẳng hạn như Công ty TNHH MTV Cà phê 52 (xã Ea Đar) hiện có 114 cán bộ, nhân viên, lao động đã được ký kết hợp đồng lao động và tham gia đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, Công ty mới chỉ đóng BHXH bắt buộc cho 114 lao động đến hết tháng 3/2023, đóng BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc đến hết tháng 6/2023. Tổng số tiền doanh nghiệp này đã chậm đóng trên 1,586 tỷ đồng. Hay như Công ty TNHH Môi trường đô thị Ea Kar (thôn 6, xã Ea Đar) thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải tại 8 xã, 2 thị trấn và xây dựng các công trình trên địa bàn huyện. Mặc dù số lượng cán bộ quản lý và lao động chỉ có 44 người nhưng trong năm 2023, công ty đã chậm đóng bảo hiểm 10 tháng với tổng số tiền nợ hơn 487,82 triệu đồng.

Lãnh đạo BHXH huyện Ea Kar tìm hiểu thực tế việc đóng bảo hiểm và tình hình đời sống, việc làm của người lao động tại Công ty TNHH Môi trường đô thị Ea Kar.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và thu hồi nợ đọng bảo hiểm từ các doanh nghiệp, BHXH huyện Ea Kar đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt. BHXH huyện đã phân công một phó giám đốc phụ trách công tác thu, giảm nợ và giao nhiệm vụ cho 5 viên chức, lao động quản lý thu theo địa bàn và từng đơn vị. Hằng tháng, sau khi gửi thông báo kết quả đóng bảo hiểm qua email, Zalo đến chủ sử dụng lao động để đôn đốc đóng, lãnh đạo, viên chức của BHXH huyện trực tiếp gọi điện thoại đôn đốc thu hồi nợ. Đối với những đơn vị nợ đọng, mặc dù đã gửi văn bản đôn đốc nhưng vẫn chưa chịu nộp, BHXH huyện đến làm việc trực tiếp để nắm tình hình và đề ra giải pháp xử lý phù hợp. Danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm cũng được thông tin trên hệ thống truyền thanh và gửi cho lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện, BHXH tỉnh chỉ đạo xử lý.

Phó Giám đốc BHXH huyện Ea Kar Mai Đức Cường cho biết, thời gian tới, cán bộ thu của BHXH huyện bám sát địa bàn, đơn vị, điều chỉnh tăng, giảm lao động và mức đóng kịp thời; tăng cường kiểm tra, gửi biên bản đôn đốc các đơn vị chậm đóng, nợ đọng nhằm thu hồi nợ. BHXH huyện cũng báo cáo, tham mưu UBND huyện, đề nghị đưa vào bình xét thi đua cuối năm, phối hợp với cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị chậm đóng và trốn đóng nhằm thu triệt để nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.