Multimedia Đọc Báo in

Chăm lo cho phụ nữ và trẻ em vùng khó

05:24, 24/11/2023

Triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã và đang tổ chức các chương trình, hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc thù từng địa phương, qua đó nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em tại các vùng khó khăn.

Xây dựng mô hình phù hợp thực tế

Nằm trong chuỗi hoạt động thực hiện Dự án 8 tại địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Ana vừa thành lập mô hình điểm Câu lạc bộ (CLB) Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú – THCS huyện Krông Ana.

CLB hiện có 30 thành viên từ 10 - 16 tuổi, đều là người dân tộc thiểu số, thuộc các khối lớp 6, 7, 8, 9 của trường. Em Lâm Thị Trà My, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Ngay khi vừa tham gia vào CLB, chúng em đã được tập huấn tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực học đường trên cơ sở giới; kỹ năng làm việc nhóm, phát huy tính sáng tạo trong hoạt động tập thể. Em thấy đây thực sự là môi trường bổ ích để lĩnh hội thêm kiến thức cũng như rèn luyện kỹ năng sống”.

Bà Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết thêm: “CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi là mô hình thiết thực và phù hợp với trẻ em, nhất là trẻ em gái. Thông qua mô hình này, các em được nói lên tiếng nói của mình, được bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong gia đình, nhà trường và được cộng đồng bảo vệ. Mặt khác, các em còn được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình và giải quyết những vấn đề liên quan đến bản thân. Thời gian tới, Hội sẽ tập trung hỗ trợ CLB triển khai nhiều chương trình, hoạt động phù hợp, qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng trên địa bàn huyện”.

Các thành viên của Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường Phổ thông dân tộc nội trú – THCS huyện Krông Ana sinh hoạt định kỳ.

Tại huyện Lắk, Ban điều hành Dự án 8 của huyện đang tập trung xây dựng các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Bích, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lắk, Phó ban trực Ban điều hành Dự án cho hay: “Từ mô hình điểm Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập tại buôn Knac và buôn Ya Tu (xã Buôn Triết), đến nay Hội đã nhân rộng thêm 9 mô hình ở các địa phương. Tùy theo địa bàn, đơn vị, tình hình thực tế mà mỗi tổ có cơ cấu thành phần, số lượng khác, các thành viên mô hình sẽ là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ chính quyền cùng các ban, ngành, địa phương, nhà trường và cha mẹ thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em”.

Phát huy vai trò của các cấp Hội

Dự án 8 là một trong 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2021. Dự án nhằm góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Tại Đắk Lắk, trên cơ sở Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 30/5/2023 của UBND tỉnh về triển khai Dự án 8, Ban Thường vụ Hội LHPN các huyện, thị xã đã tham mưu UBND cùng cấp ban hành kế hoạch cụ thể  phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Dray Sáp, huyện Krông Ana hướng dẫn hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số xây dựng mô hình chăn nuôi tại gia đình.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Bên cạnh việc tổ chức hội nghị chuyên đề, lồng ghép với các hội nghị sơ kết, tổng kết, các buổi truyền thông… để tuyên truyền, quán triệt các văn bản của dự án đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân, các cấp Hội còn chủ động khai thác các chương trình, nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của phụ nữ để chị em phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới, hiệu quả cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số”.

Đến nay, toàn tỉnh có 276 mô hình Tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực triển khai một số mô hình, hoạt động của dự án cho trên 2.200 cán bộ Hội, chi hội trưởng, thành viên tổ truyền thông; tổ chức 48 buổi truyền thông xóa bỏ định kiến về giới, những tập tục văn hóa có hại, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại 46 thôn; in ấn và cấp phát 8.720 tờ rơi về nội dung phòng, chống bạo lực gia đình và kiến thức làm mẹ an toàn cho hội viên phụ nữ và người dân trong vùng triển khai thực hiện dự án.

Mặc dù bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên trong quá trình triển khai Dự án 8, một số đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch; tiến độ giải ngân nguồn ngân sách thực hiện dự án còn chậm. Để các hoạt động của Dự án 8 phát huy tối đa hiệu quả, thời gian tới cần có thêm những cơ chế, chính sách phù hợp cũng như sự chung tay, đồng hành, quan tâm của các cấp, ngành, địa phương để cùng thực hiện các mục tiêu về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; tác động tích cực đến đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho từng địa bàn.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.