Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới

07:20, 03/11/2023

Những năm qua, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn tới việc triển khai nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các cấp công đoàn. Song phát huy truyền thống của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống 46 năm xây dựng và trưởng thành của Công đoàn tỉnh Đắk Lắk, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, phong trào công nhân, viên chức, lao động, hoạt động công đoàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.

Nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn đã có nhiều đổi mới, tập trung hướng về cơ sở; chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động ngày càng được phát huy; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Các phong trào thi đua yêu nước triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp mang lại kết quả thiết thực. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được tôn vinh, khen thưởng; góp phần nâng cao vai trò, vị thế, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn.

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng trong cộng đồng và trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhiều cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động của tỉnh đã tiên phong tham gia chống dịch, nỗ lực vượt khó, bám trụ sản xuất; triển khai nhiều việc làm ý nghĩa, nhân văn, sáng lên tinh thần đoàn kết, đùm bọc, nghĩa tình trong khó khăn, hoạn nạn.

Có thể nói, những đóng góp tích cực của các cấp công đoàn và công nhân, viên chức, lao động tỉnh nhà đã góp phần quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh đề ra.

Đoàn viên, người lao động mua sắm hàng hóa tại Chợ Tết Công đoàn năm 2023. Ảnh: Thúy Hồng

Đất nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới, tạo ra nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức. Đối với tỉnh Đắk Lắk, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn; các doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, sử dụng ít lao động, hiệu quả kinh doanh hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp; mặt khác, số lượng, chất lượng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động tuy đã được nâng lên, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế... Trong  bối cảnh đó, hoạt động công đoàn cần có những bước đổi mới thích hợp để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XI diễn ra vào thời điểm tỉnh ta đang tích cực triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình số 37-CTr/TU, ngày 18/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; Đắk Lắk là một trong năm tỉnh Tây Nguyên và giữ vị trí trung tâm của vùng. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, viên chức, người lao động thì công đoàn các cấp phải dành sự quan tâm thỏa đáng để thông tin, truyền đạt, bổ sung những nhận thức mới cho các đoàn viên của mình.

Với những nền tảng đã tạo dựng được, Đắk Lắk đã và đang là điểm đến hấp dẫn, uy tín của các nhà đầu tư lớn có thương hiệu. Dự báo số lượng công nhân, lao động trong thời gian tới sẽ tăng nhanh, điều đó mang đến thời cơ thuận lợi để tiếp tục mở rộng tổ chức Công đoàn của tỉnh, đồng thời đặt ra những thách thức mới trong việc đoàn kết, tập hợp, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do đó, các cấp công đoàn cần đặc biệt quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của công nhân lao động, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; tiếp tục kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà ở xã hội; xây dựng thiết chế của tổ chức Công đoàn, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, sức khỏe cho công nhân lao động; đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, công nhân, người lao động nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề, đặc biệt là chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, ứng xử có văn hóa, tôn trọng kỷ luật lao động.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê thăm và tặng quà cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển An Thái dịp Xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Q. Diễn

Tổ chức Công đoàn cần bám sát đặc điểm, đặc thù của từng khối lực lượng để lựa chọn nội dung và phương thức hoạt động phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của số đông người lao động. Tập trung thực hiện khâu đột phá chuyển đổi số toàn diện trong các hoạt động của công đoàn; nhất là việc ứng dụng nền tảng số trong tuyên truyền, số hóa dữ liệu đoàn viên, khai thác thông tin và nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người lao động... Chú trọng và nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ; tham mưu, đề xuất, phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động như: tiền lương, bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động… Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, chia rẽ, làm mất an ninh, trật tự, đình công, biểu tình trái pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đến môi trường đầu tư kinh doanh và hình ảnh của tỉnh.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực, bản lĩnh, chuyên nghiệp, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gắn bó với cơ sở, gần gũi với công nhân lao động theo tinh thần Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 27/7/2023 của Tỉnh ủy về “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Có tiếng nói và những đề xuất xác đáng trong việc xây dựng các chính sách bảo vệ người lao động trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng.

    Y Biêr Niê

    Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc