Multimedia Đọc Báo in

Nhớ về đồng đội một thời

09:11, 30/11/2023

Ngày 4/11, tại Sở Giáo dục và Đào tạo đã diễn ra cuộc hội ngộ thân tình, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia khu vực III vào Đắk Lắk trao lại hồ sơ, kỷ vật chiến trường cho cán bộ, giáo viên đi B chi viện cho chiến trường Đắk Lắk.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thời kháng chiến như Lê Chí Quyết, Ama H’Oanh, Châu Khắc Chương đều có mặt, cùng đông đảo các cán bộ chi viện và nhiều đại biểu về chung vui.

Nhiều kỷ niệm thân thương, bùi ngùi xúc động ùa về khi người còn, kẻ mất. Tôi nhớ đến Nguyễn Đức Hiển quê Nam Định mới cưới vợ một tuần đã lên đường vào Nam năm 1972 cùng tôi ở trường nội trú buôn Chàm. Dẫn học sinh đi dân công tiếp lương, tải đạn, mấy lần không vượt được đường 21 (nay là 26), quay lại trường giã đến gùi lúa cuối cùng rồi mới vượt được đường để hoàn thành nhiệm vụ.

Lễ tổng kết năm học 1975-1976 tại thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh
Lễ tổng kết năm học 1975 -1976 tại thị xã Buôn Ma Thuột. (Ảnh tư liệu)

Nhớ Phạm Quốc Phòng, quê Hải Phòng, cùng tôi đi công tác trường nội trú buôn Khanh. Khi đến trường thì vợ chồng Ama Tuyên đi rẫy để sản xuất lương thực tự túc. Đang đói, thấy có cơm sắn lát và buồng chuối chín gác bếp, Phạm Quốc Phòng lấy ra ăn nói đùa với tôi: “Lấy của cách mạng nuôi cách mạng không thể gọi là ăn vụng”. Lại nhớ kỷ niệm khi Bùi Văn Đồng bắn được con nai, tôi đang sốt rét cũng dựng dậy bắt đi khiêng về để sấy ăn dần. Đồng bảo tôi: Sốt rét cũng phải đi, không thì lấy gì mà ăn sau này.

Nguyễn Hữu Uyển người Hà Bắc được chuyển từ H10 (huyện Lắk) để bàn giao cho Trần Ngọc Miện thay thế. Thoát được cái dốc cao phải leo lên leo xuống mất cả ngày, khi qua dốc đã ngồi xuống vái lạy dốc H10 để từ biệt không phải leo lại lần sau.

Lại nhớ Vũ Đình Tiến, người vào cùng đợt với tôi năm 1972, sau này về Ban giáo dục H9 cùng tôi. Có lần tôi được điều động đi Khuê Ngọc Điền, phải để Vũ Đình Tiến ở nhà trong khi đang sốt rét run bần bật. Tôi lấy sẵn nhiều củi, nhóm bếp lửa, ra sông Krông Bông lấy sẵn can nước dự trữ cho Tiến. Bắt tay Tiến và nói một câu: “Cố gắng sống, dũng cảm lên”. Bên cạnh lán có mộ chị dân công người Êđê bị chết đuối khi gùi hàng, tôi bảo Tiến: chị là người cách mạng sẽ phù hộ cho cách mạng.

Số cán bộ giáo viên chi viện cho Đắk Lắk trước năm 1975 là 27 người, nay còn có 7 người ở Đắk Lắk (không kể 17 người được điều động đầu năm 1975). Xúc động nghẹn ngào về tình đồng chí, đồng nghiệp thân yêu, ai cũng rưng rưng cảm động khi nghe những lời tâm sự của từng người.

Lá đơn tình nguyện tôi viết từ hơn nửa thế kỷ trước gửi lại Ban Thống nhất trung ương đã được cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia khu vực III trực tiếp vào Đắk Lắk trao tận tay, trong đó có đoạn: “Tôi là Lê Hữu Chỉnh - Đảng viên lớp Hồ Chí Minh, hiện công tác tại Trường Phổ thông cấp 2 Dân Hòa, xin tình nguyện xung phong vào công tác ở chiến trường xa. Lời thề trước Quốc kỳ, Đảng kỳ, trước chân dung Bác Hồ kính yêu mãi mãi là sức mạnh trên đường công tác...”. Đọc lại lá đơn, tôi càng tự hào được làm công dân của một thế hệ anh hùng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.