Lao động nông thôn sống được với nghề đã học
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Krông Bông thời gian qua mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo cơ hội cho người lao động nâng cao tay nghề, có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề đã học.
Gia đình ông Nguyễn Trưng (thôn 5, xã Hòa Thành) chăn nuôi trâu, bò nhiều năm nay, nhưng do quy mô nhỏ lẻ và chưa chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc vật nuôi nên thu nhập không đáng kể.
Năm 2021, khi tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức, ông đã nắm bắt được quy trình để phát triển việc chăn nuôi của gia đình.
Với những kiến thức đã học, ông mở rộng chăn nuôi và áp dụng kỹ thuật chăm sóc cho 8 con bò lai, 4 con trâu. Định hướng phát triển bò sinh sản nên gia đình giữ lại bò cái để tiếp tục tăng đàn. Nhờ đó, hằng năm gia đình có thu nhập khoảng 50 – 60 triệu đồng từ việc chăn nuôi.
Tổ hợp tác may gia công do chị Ngô Thị Mỹ Ly (thôn 3, xã Hòa Sơn) thành lập sau khi tham gia lớp may công nghiệp tại địa phương. |
Anh Y Hồng Mdrang (buôn M’nang Tar, xã Yang Mao) làm phụ hồ nhiều năm nay nhưng công việc bấp bênh, mức lương không cao. Năm 2021, Y Hồng tham gia học lớp xây dựng dân dụng do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức. Sau bốn tháng tham gia lớp học, anh đã tự tin làm công việc của thợ chính. Anh Y Hồng phấn khởi tâm sự, nhờ tham gia lớp học, anh nắm được kỹ năng đo đạc, lát gạch, đo kích thước của một căn nhà, tính toán vật liệu xây dựng… một cách chính xác, bài bản. Cùng với kiến thức thực tế đã giúp anh dễ dàng vận dụng và có nhiều cơ hội làm việc, thu nhập tăng gấp đôi so với trước. Khi tay nghề thành thạo, anh đã cùng 15 học viên khác thành lập một đội, trực tiếp nhận thầu các công trình xây dựng ở trong buôn để hoàn thành.
Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Krông Bông Trương Hữu Phấn cho biết, để việc đào tạo nghề cho lao động có hiệu quả, trung tâm luôn tích cực tuyên truyền, khảo sát, thăm dò nhu cầu của lao động để mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Sau khi có kế hoạch, đơn vị sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tư vấn, vận động lao động đăng ký tham gia và mở lớp ngay tại các thôn, buôn, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Tham gia các lớp đào tạo, lao động được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học, tay nghề nâng cao, nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định nên người dân rất phấn khởi và tích cực tham gia.
Trung bình hằng năm, Trung tâm mở 6 – 8 lớp đào tạo nghề, mỗi lớp khoảng 30 – 35 học viên. Trong đó có các nhóm nghề phổ biến, thu hút đông lao động tham gia, như: kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng dân dụng, may công nghiệp… Đơn vị cũng tập trung mở những lớp đào tạo ở các xã vùng III, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân nâng cao nhận thức, áp dụng vào cuộc sống.
Các học viên lớp xây dựng dân dụng đang thực hành nghề. |
Tuy nhiên, công tác đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng lao động trẻ đi làm ăn xa nên việc vận động để mở lớp còn hạn chế; trình độ nhận thức người dân không đồng đều; địa bàn rộng, các thôn, buôn cách xa trung tâm xã; nguồn kinh phí mở lớp được phân bổ về muộn cũng ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề của địa phương.
Tích cực tháo gỡ khó khăn, đơn vị vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng học nghề của người dân để có kế hoạch, đáp ứng nhu cầu học của người dân. Ngoài các nhóm nghề phổ biến ở địa phương, sắp tới trung tâm sẽ triển khai mở thêm các lớp dạy nghề trồng nấm rơm, nấm linh chi… để người dân có thêm cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc