Multimedia Đọc Báo in

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

21:06, 30/12/2023

Chiều 30/12, tại TP. Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề: "Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Dự hội nghị có 300 đại biểu có mặt trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ, trong đó có trên 70 nông dân tiêu biểu, đại diện cho 10,2 triệu hội viên nông dân cả nước. Hội nghị năm nay cũng được kết nối trực tuyến tại điểm cầu của 63 địa phương, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành...

Hội nghị
Hội nghị được kết nối trực tuyến tại điểm cầu các tỉnh, thành phố (Ảnh chụp màn hình)

Tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn và Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lại Thị Loan đồng chủ trì hội nghị.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Sau một thời gian tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đã có gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân cả nước gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ.

Tại buổi đối thoại, có 6 nhóm vấn đề, bà con nông dân quan tâm, muốn được giải đáp gồm: Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặc biệt triển khai phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị; các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp; các vấn đề liên quan sản xuất, tiêu thụ nông sản; giải pháp, chính sách xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn; tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh chụp màn hình)

Các vấn đề mà nông dân đặt ra trong chương trình đối thoại đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành trả lời trực tiếp, đồng thời cung cấp thêm các thông tin hữu ích.

chính sách gì để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển từ tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp
Anh Y Pốt Niê, nông dân tỉnh Đắk Lắk đặt câu hỏi về chính sách thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển từ tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp đã góp phần bảo đảm các cân đối lớn, giúp nước ta làm đủ ăn và có xuất khẩu. Đây là đóng góp của ngành nông nghiệp, của nông dân Việt Nam. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng mong nông dân tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình.

Bộ trưởng Bộ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan giải đáp một số đề xuất, kiến nghị của nông dân (Ảnh chụp màn hình)

Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Vân Anh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.