Multimedia Đọc Báo in

“Rừng núi dang tay nối lại biển xa…”

07:29, 11/02/2024

Ai mà ngờ rằng trên cao nguyên đá vôi Hà Giang, dấu tích của biển vẫn còn hiển hiện trên những vòm đá xám.

Mấy năm trước, khi đi thỉnh đất thiêng ở cột cờ Lũng Cú - cực Bắc Việt Nam để mang ra Trường Sa, trong tôi bỗng âm vang một câu hát của Trịnh Công Sơn “Rừng núi dang tay nối lại biển xa…” bởi đất thiêng ở Hà Giang xưa kia từng là đáy biển! Đem đất từ núi đá Hà Giang ra Trường Sa chẳng phải là nối rừng với biển hay sao?

Hành trình… 500 triệu năm

Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy đứng cùng tôi trên boong con tàu HQ 996 trên hành trình ra Trường Sa, nhìn về đất liền đang mờ dần trong bóng hoàng hôn, giọng không giấu được xúc động: “Hôm anh lên Lũng Cú nhận đất thiêng để mang ra Trường Sa, anh có ghé thăm di tích “hóa thạch tay cuộn” không?”.

Trên logo của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, một bên là biểu tượng của những ngọn núi đá, một bên là một hình dạng tựa như con sò biển. Chính xác hơn, đó là “tay cuộn”, một hóa thạch được tìm thấy ở xã Ma Lé, ngay khu vực Đồn Biên phòng Lũng Cú. Hóa thạch “tay cuộn” được phát hiện vào năm 1915 bởi nhà địa chất người Pháp J.Deprat, Giám đốc Sở địa chất Đông Dương. “Hóa thạch tay cuộn” được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2013. Đó cũng là điều mà anh Thủy đã bày tỏ với tôi như một tâm cảm.

Thỉnh đất từ cột cờ Lũng Cú cho hành trình mang “Đất thiêng gửi Trường Sa”.

Thông điệp mà “hóa thạch tay cuộn” trao truyền với hôm nay rất giản dị nhưng bất ngờ: Cao nguyên đá Đồng Văn đã từng là… đáy biển! Bởi “tay cuộn” là một loại cổ sinh sống ở biển, có thân mềm vỏ cứng, khi chết đi phần vỏ cứng sẽ bị vùi lấp dưới đáy đại dương, trong quá trình kiến tạo của vỏ trái đất, vỏ cứng sẽ hóa thạch. Di tích tay cuộn hóa thạch ở Lũng Cú minh chứng rằng khoảng 500 triệu năm trước toàn bộ cao nguyên đá Đồng Văn là đáy đại dương! Chính vì ý nghĩa đặc biệt ấy mà “tay cuộn” hiển hiện trên logo của Công viên địa chất toàn cầu.

Cũng vì thế nên nắm đất hôm nay chúng tôi mang từ Lũng Cú ra Trường Sa chính là một hành trình trở lại cội nguồn sau 500 triệu năm cách biệt của nắm đất thiêng mà câu hát của Trịnh Công Sơn “rừng núi dang tay nối lại biển xa” chính là một tiên cảm không chỉ ngày thống nhất non sông về một mối mà còn dự phóng một cuộc tuần hoàn của đất và nước, của núi và biển sau điệp trùng năm tháng ấy?

Đem rừng ra biển…

Trong hành trình “Đất thiêng gửi Trường Sa” mà chúng tôi - những phóng viên trực tiếp đi nhận đất từ nhiều vùng địa linh đất nước, thì Lũng Cú là điểm đầu tiên của hành trình nhận đất. Vì sao lại là Lũng Cú?

Lũng Cú là địa danh mang biểu tượng về sức sống mãnh liệt của dân tộc, đó không chỉ là một chỉ dấu thuần về địa lý: điểm cực Bắc của nước Việt như các điểm cực Tây - Đông - Nam còn lại. Trên bản đồ Tổ quốc, tuyến biên giới phía bắc từ A Pa Chải (Điện Biên) đến Trà Cổ (Quảng Ninh) như một cánh cung cong hướng lên phía Bắc mà Lũng Cú là tâm điểm để đặt vào đó mũi tên vệ quốc. Hình hài mũi tên vệ quốc ấy của hôm nay chính là cột cờ cực Bắc vút thẳng lên trời xanh và lá cờ đỏ sao vàng như cánh buồm đỏ thắm phần phật reo trong gió sớm. Biên ải phía Bắc cũng là nơi mấy ngàn năm qua, những trang sử Việt kể về bao thế hệ cha ông luôn can trường đối mặt với họa xâm lăng.

Và hôm nay, nắm đất từ cột cờ Lũng Cú vượt hàng ngàn cây số, hàng trăm hải lý tới giữa Trường Sa không còn là câu chuyện của nắm đất, đó là cuộc trở về sau 500 triệu năm, nhưng dài hơn khoảng thời gian kia, trường cửu hơn năm tháng số học kia, là sự vĩnh hằng của Tổ quốc. Lũng Cú và Trường Sa cũng không còn khoảng cách địa lý mà như hòa làm một, tiếng cờ bay hòa âm vang sóng vỗ, màu mây trắng dưới thung xa ngỡ là màu sóng trắng đại dương.

Đất thiêng mọi miền hòa cùng cát san hô để ươm mầm sự sống trên đảo.

Trao hộp đựng đất thiêng cho chúng tôi, Trung tá Nguyễn Hồng Phong nói trong xúc động: “Chúng tôi, những người lính biên phòng ở cực Bắc Tổ quốc gửi gắm vào đây không chỉ tình cảm của người lính biên phòng mà còn là tình cảm của đồng bào 54 dân tộc anh em trong cả nước dành cho Trường Sa. Bởi ở cột cờ quốc gia này, lá cờ trên đỉnh cột có diện tích 9 m x 6 m, bằng 54 m2. Con số 54 ấy cũng là con số mang ý nghĩa biểu tượng của 54 dân tộc trên đất nước chúng ta. Khi nắm đất Lũng Cú được hòa vào đất cát đảo xa Trường Sa, cũng là hòa chung lời thề của chúng tôi, những người lính bảo vệ chủ quyền biên giới và những người lính bảo vệ chủ quyền biển đảo, rằng không một kẻ thù nào có thể xâm phạm đến chủ quyền thiêng liêng này”.

Trước khi khởi hành, chúng tôi chọn một ít đất từ mỗi địa danh thiêng liêng đặt vào bốn chiếc hộp bằng đồng để đưa vào thờ ở hai ngôi chùa trên đảo Trường Sa Lớn và chùa Vinh Phúc (đảo Phan Vinh), phần đất còn lại được dành để trộn vào cát san hô trong buổi lễ trồng cây của chương trình “Trường Sa Xanh” trên đảo.

Nhìn màu đất từ nhiều vùng đất nước vượt không gian vượt trùng dương ra tới đây: màu đỏ đất cực Bắc, màu vàng của đất Trường Sơn, màu nâu bóng của bùn non đất Mũi… tất cả hòa trộn vào trong màu trắng tinh khôi mịn màng của những lớp cát san hô trên đảo mà mơ ước mai rồi những cây xanh chúng tôi trồng hôm nay sẽ thành một lâm viên giữa trùng trùng sóng gió. Có thể ở đất liền, mỗi cây xanh mọc lên là điều bình thường, nhưng trên những đảo nhỏ giữa đại dương này, mỗi cây xanh được lớn lên và tỏa bóng đều mang dáng vẻ của một tượng đài can trường nơi đầu sóng. Trong mao mạch của cây sẽ thấm đẫm nhựa sống chắt chiu từ những nắm đất thiêng. Trong màu xanh của tán lá mai này sẽ có bóng dáng cỏ cây từ mọi miền Tổ quốc lung linh hiển hiện.

Và như thế, thông điệp của đất liền gửi đảo xa trong những nắm đất thiêng thật rõ ràng: Trường Sa, vĩnh hằng là máu thịt đất Mẹ, như đất hòa trong đất, cây xanh niềm cây. Vĩnh hằng hơn cả cuộc tuần hoàn của nắm đất từ Lũng Cú - vốn là đáy đại dương của 500 triệu năm trước, và hôm nay trở về với trùng dương…

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.