Cẩn trọng khi sử dụng trí tuệ nhân tạo
Ngày 14/3/2024, sự việc poster tuyên truyền về sự kiện lịch sử Gạc Ma của Câu lạc bộ Lý luận trẻ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đăng tải lên mạng xã hội đã khiến dư luận phẫn nộ với hình vẽ người lính hải quân Việt Nam trong poster lại cầm súng Mỹ, đội mũ sắt Mỹ, đi giày Mỹ!
Đây là hình do trí tuệ nhân tạo (AI) vẽ! Câu lạc bộ này đã phải đăng tải thư xin lỗi và tạm thời đóng fanpage.
Sự việc này khiến tôi nhớ lại chuyện tương tự từng xảy ra vào ngày 22/12/2022 cũng ở một fanpage của một trường đại học.
Cụ thể, tại Cơ sở Bảo Lộc của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, trên trang fanpage của trường đăng tải ảnh minh họa trong banner cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống ngày 22/12 lại là ảnh lính Mỹ đã được làm mờ.
Ảnh minh họa: Internet |
Theo giải thích của nhà trường thì ảnh này là do một nhóm sinh viên được phân công thực hiện việc truyền thông về cuộc thi trên trang Facebook của cơ sở này thực hiện. Khi thiết kế hình ảnh, sinh viên đã dùng một bức ảnh người lính đã được làm mờ trong kho ảnh miễn phí của phần mềm thiết kế và đưa hình ảnh lên trang khi chưa được kiểm tra và đồng ý của lãnh đạo cơ sở. Ngay sau khi sự việc được phát hiện, nhà trường phải gỡ banner trên fanpage, song không ngăn chặn được việc lan truyền hình ảnh này.
Hai sự việc trên đều có điểm chung là: các bạn trẻ muốn tuyên truyền cho một sự kiện lịch sử của đất nước nhưng lại tin tưởng vào trí tuệ nhân tạo mà thiếu cẩn trọng trong việc sử dụng hình ảnh minh họa. Các kho ảnh đồ họa trên mạng hiện có rất nhiều hình ảnh mà nếu không cẩn thận thì bất kỳ ai cũng sẽ mắc sai sót, thậm chí là sai sót lớn, có thể xuyên tạc lịch sử. Nếu chỉ nhìn qua, thấy đẹp, có vẻ giống với hình dung trong trí nhớ mà vội vã sử dụng là rất dễ… sai!
Tôi thường yêu cầu sinh viên của mình làm bài tập nhóm, kết hợp thuyết trình và trình chiếu bằng phần mềm Powerpoint/Canvas. Có lần, nhóm sinh viên được tôi giao nhiệm vụ thuyết trình chủ đề bầu cử: ai có quyền bầu cử, nguyên tắc bầu cử và các bước thực hiện khi đi bầu cử là gì? Đến lúc báo cáo trước lớp, bạn sinh viên hồn nhiên trình bày: bước cuối cùng là dùng bút chì gạch tên ứng viên không bầu và ném phiếu vào thùng! Tôi giật mình, hỏi ngay: “Các bạn đã bao giờ nhìn thấy bất cứ một cuộc họp nào có bỏ phiếu mà người ta ném lá phiếu vào thùng chưa? Hành động này liệu có phù hợp với một hoạt động nghiêm túc không? Thông tin này các bạn tham khảo từ nguồn nào? Cho cô địa chỉ trang cụ thể”. Sau một lúc gãi đầu, bạn sinh viên thừa nhận đã dùng Chat GPT. Tôi hỏi lại: “Vậy các bạn có đọc lại câu trả lời của Chat GPT hay chỉ là copy và dán vào bài làm của nhóm thôi?” Bạn sinh viên chỉ biết cười hối lỗi...
Sử dụng các ứng dụng AI là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược trong thời đại hiện nay. Sinh viên hay thế hệ trẻ nói chung là những người rất nhạy bén, năng động, thích tiếp cận với cái mới, ưa khám phá nhưng đôi khi chủ quan, dễ dãi, tin tưởng vào các thông tin mà mình tìm thấy nhưng lại thiếu sự kiểm chứng. Thực tế cho thấy, trong bất cứ mọi việc, nhất là liên quan đến các sự kiện lịch sử thì sự cẩn trọng không bao giờ là thừa. Bởi vậy, khi giao bài tập nhóm cho sinh viên, tôi luôn nhắc nhở các bạn: dù sử dụng ứng dụng nào, copy tài liệu từ bất cứ nguồn nào cũng phải đọc đi đọc lại vài lần và suy nghĩ xem có điều gì bất thường không. Phải chú ý đối chiếu nhiều nguồn thông tin thay vì chỉ tìm một nguồn duy nhất rồi mặc định nó là đúng. Trí tuệ nhân tạo đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích nhưng nếu lệ thuộc vào nó, tin tưởng hoàn toàn vào nó thì một lúc nào đấy, chúng ta sẽ không dám tin vào chính mình nữa mà chỉ tin vào những gì mình tìm thấy trên mạng mà thôi.
Bình An
Ý kiến bạn đọc