Khu tái định cư số 1 và số 2 (huyện Ea Kar):
Còn khó khăn trong việc cấp đất tái định canh
Hiện nay, tại Khu tái định cư số 1, xã Cư Elang và Khu tái định cư số 2, xã Cư Bông, huyện Ea Kar vẫn còn nhiều hộ dân chưa được cấp đất tái định canh để lao động, sản xuất.
Ông Giàng Seo Dũng (Khu tái định cư số 1, xã Cư Elang) cho biết: Gia đình ông đến sinh sống tại đây được hơn hai năm nay, được cấp đất ở và đất lúa để canh tác, còn đất màu đã bốc phiếu nhưng chưa được bàn giao đất trên thực địa. Thu nhập chính của gia đình ông Dũng chỉ dựa vào năm sào đất lúa được cấp, không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Do vậy, vợ chồng ông Dũng phải đi làm thuê nhiều việc khác như phát dọn rẫy, trồng keo, làm cỏ..., để có tiền nuôi ba người con ăn học. Tuy nhiên việc làm cũng không đều nên gia đình ông Dũng luôn ở trong tình trạng thiếu trước, hụt sau.
Tháng 3/2023, gia đình anh Mai Văn Di từ thôn 10, xã Cư San, huyện M'Drắk đến Khu tái định cư số 2, xã Cư Bông sinh sống. Từ đó đến nay, gia đình anh mới được cấp đất ở, còn đất tái định canh vẫn chưa được cấp, trong khi gia đình anh không có rẫy nương nào khác để canh tác nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Anh Di bày tỏ: "Để nuôi sống gia đình, vợ chồng tôi phải đi thu hoạch keo khoán, công việc rất bấp bênh, chủ yếu theo thời vụ. Nhiều khi cả vài tháng liên tiếp vợ chồng tôi không có việc làm".
Tương tự, gia đình anh Thào Seo Hồng, thuộc diện hộ nghèo (Khu tái định cư số 2, xã Cư Bông) cũng chưa được cấp đất tái định canh để lao động sản xuất. Do vợ phải ở nhà nuôi con nhỏ nên kinh tế gia đình phụ thuộc vào mình anh Hồng với công việc thu hoạch keo và thu hoạch trầm hương thuê tại huyện M'Drắk, mỗi tháng đi làm được khoảng 10 ngày, mỗi ngày được 250 nghìn đồng tiền công.
Khu vực quy hoạch đất lúa cấp cho người dân Khu tái định cư số 2, xã Cư Bông đang được đơn vị thi công san gạt mặt bằng. |
Trao đổi về vấn đề này, bà Đinh Thị Phương Lập, Phó Trưởng Phòng Đền bù và giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (gọi tắt là Ban) cho biết: Đến nay, tại Khu tái định cư số 1, đơn vị đã giao đất tái định cư cho 319 hộ/330 lô. Đối với đất sản xuất, đã cấp đất trồng lúa cho 319 hộ; riêng đất màu mới cấp được 95/319 hộ, do người dân thuộc diện bị thu hồi đất để phục vụ tái định canh chưa chịu nhận tiền bồi thường và bàn giao đất. Ban đang phối hợp với UBND huyện Ea Kar xây dựng phương án cưỡng chế khu đất khoảng 90 ha để phân lô, cấp đất cho các hộ còn lại.
Còn tại Khu tái định cư số 2, Ban đã giao đất tái định cư cho 421/464 hộ; đã giải phóng mặt bằng được 364/619,54 ha (bao gồm diện tích đường giao thông, sông - suối và đất chưa sử dụng do UBND xã quản lý). Trong đó, đất lúa và đất hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất: 102,5 ha (đã bàn giao 67 ha cho đơn vị thi công thực hiện việc san ủi, còn lại 35,5 ha do mặt bằng kiểu "xôi đỗ" nên chưa phân lô được); đất màu và đất hạ tầng kỹ thuật khác: 261,5 ha (đã phân được 128 lô/72 ha, đã giao đất cho 97/464 hộ). Hiện còn khoảng 255,54 ha vẫn chưa giải phóng mặt bằng được, trong đó có gần 50 ha đất rừng sản xuất. Ban đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế, tuy nhiên theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII thì cần phải có chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra còn 47,9 ha đất mở rộng sau điều chỉnh quy hoạch, đang được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đo đạc địa chính; 52 ha đang trong quá trình lập biên bản hiện trường, ký giáp ranh giữa các hộ dân; 106,55 ha đã xác định được nguồn gốc đất, đang được lập phương án bồi thường.
Anh Dũng
Ý kiến bạn đọc