Multimedia Đọc Báo in

Bố vợ nghèo xoay xở chăm con rể khó

20:41, 11/04/2024

Những ngày này, ông Nguyễn Tấn Hòa ở thôn 7, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) phải chạy đôn chạy đáo, vay mượn khắp nơi để có tiền đóng viện phí cho con rể của mình. Đó là anh Huỳnh Út Nghỉ (sinh năm 1986, quê ở Cà Mau).

Theo lời ông Hòa, thời điểm năm 2016, con gái ông là chị Nguyễn Thị Tín (sinh năm 1991) biết mình có thai đứa con thứ 2 thì chồng chị Tín đột ngột ôm đứa con lớn (sinh năm 2012) bỏ đi. Để có tiền nuôi con, chị Tín xuống tỉnh Bình Dương xin làm công nhân và quen biết anh Nghỉ. Vừa sinh bé thứ 2, chị Tín bị trầm cảm rồi phát bệnh tâm thần, nhưng gia đình khó khăn không có tiền để đưa chị đi điều trị ở bệnh viện, cứ hễ ai chỉ “thầy phép” nào thì ông lại gói gém tiền dành dụm chở con gái đi… vái tứ phương!

Thương chị Tín, năm 2019, anh Nghỉ gửi số ít tiền dành dụm được về cho ông Hòa đưa chị Tín vào Bệnh viện tâm thần tỉnh để điều trị. Sau thời gian dài điều trị, đến năm 2021 bệnh tình chị Tín thuyên giảm, số lần phát bệnh ít dần nên được bác sĩ cho về nhà điều trị.

Niềm vui như được nhân đôi khi vào giữa năm 2023, anh Nghỉ xin phép gia đình ông Hòa cho về nhà ở rể, tiện thể chăm lo cho 2 mẹ con chị Tín. Cảm mến chàng rể không chê gia đình nghèo, ông Hòa tằn tiện, mượn tiền người thân cất căn nhà tạm khoảng 60m2 trên khoảng đất trống của gia đình cho hai vợ chồng. Anh Nghỉ là người chăm chỉ, phụ hồ, cuốc mướn, hái cà phê thuê… ai kêu gì anh làm nấy và luôn dành dụm số tiền kiếm được ít ỏi phòng khi bệnh tình của vợ tái phát.

a
Anh Huỳnh Út Nghỉ trước hôm phẫu thuật xương chân. Ảnh: Lê Ngọc

Nhưng niềm vui chẳng tày gang, tai họa lại ập đến, cuối tháng 3 vừa qua, chị Tín lại phát bệnh phải đưa vào Bệnh viện tâm thần điều trị; anh Nghỉ bị tai nạn giao thông trên đường đi chặt mía thuê ở xã Khuê Ngọc Điền về. Vụ tai nạn làm anh Nghỉ gãy 2 xương cẳng chân phải, chấn thương đầu. Nhờ người dân xung quanh, anh Nghỉ được đưa lên cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.

Thông tin từ Khoa chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên), trường hợp của anh Nghỉ phải mổ kết hợp 2 xương cẳng chân. Nhưng bệnh nhân bị bệnh tim, do đó, đơn vị phải kết hợp với Khoa tim, mạch để điều trị ổn định mới tiến hành mổ.

Gia đình ông Hòa thuộc diện hộ cận nghèo, tuy nhiên, anh Nghỉ và chị Tín vẫn chưa đăng ký kết hôn nên anh Nghỉ không được hưởng các chế độ của hộ cận nghèo. Không có Bảo hiểm Y tế, từ hôm nhập viện đến nay, gia đình ông Hòa đã phải vay mượn khắp nơi được 18 triệu đồng để lo cho anh Nghỉ. Những ngày chăm anh Nghỉ trong bệnh viện, ông Hòa chỉ mua cơm cho anh Nghỉ ăn lấy sức để mổ, còn ông hôm thì xin cháo miễn phí, hôm thì ăn tạm mì gói qua bữa.

Sau thời gian điều trị bệnh tim, đến trưa 11/4/2024, anh Nghỉ đã được tiến hành mổ điều trị xương chân. “Các bác sĩ nói chấn thương do tai nạn của con tôi sẽ cần kinh phí phẫu thuật lớn, thời gian điều trị lâu dài. Giờ tôi cũng không biết phải xoay xở như thế nào nữa”, ông Hoà ngậm ngùi.

Hoàn cảnh của anh Nghỉ rất đáng thương, mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ Tấm lòng vàng Báo Đắk Lắk, số 23 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; số tài khoản 115000061544 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk.

                                                 Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.