Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa tình yêu sách trong nhà trường

09:26, 14/04/2024

Đưa sách đến gần hơn với học sinh, tạo thói quen đọc sách là những cách làm được Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) thực hiện nhằm xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh nhà trường.

Độc đáo “Con thuyền tri thức”

Cứ vào sáng thứ Tư hằng tuần, giữa sân Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ xuất hiện một con thuyền nhỏ mang tên “Con thuyền tri thức” chứa đầy sách bên trong khoang thuyền, thu hút đông đảo học sinh tìm đến. Các em hào hứng chọn cuốn sách yêu thích của mình và xếp ghế thành những vòng tròn ở sân trường để cùng đọc sách.

Cô Trương Thị Lang, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ cho biết, nhằm khuyến khích tinh thần ham đọc sách, tìm hiểu tri thức mới, tạo không gian đọc sách cho học sinh, từ đầu năm 2024, nhà trường đã xây dựng mô hình tủ sách di động mang tên “Con thuyền tri thức”. Cùng với nguồn xã hội hóa, trường huy động sự đóng góp sách thêm từ giáo viên, học sinh, tại lễ ra mắt mô hình đã có hơn 200 quyển sách được đóng góp.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ lựa chọn sách để đọc tại mô hình “Con thuyền tri thức”.

Mô hình được duy trì với nhiều hình thức phong phú như: đọc sách, mượn sách, trao đổi sách, thi “Giọng đọc thư viện xanh”. Thứ Tư hằng tuần, “Con thuyền tri thức” được di chuyển ra sân trường để phục vụ tiết đọc sách cho học sinh.

Mỗi tháng một lần, trường tổ chức hội thi “Giọng đọc thư viện xanh” giữa các khối lớp. Học sinh các lớp chuẩn bị một tác phẩm mình tâm đắc và luân phiên nhau tham gia đọc thi trước toàn trường. Kết thúc cuộc thi sẽ có đánh giá và khen thưởng, qua đó tạo sự hăng say, hứng thú cho học sinh.

Là “thuyền trưởng”, chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý “Con thuyền tri thức”, em Ngô Phước Nhã Ayun (lớp 5A) chia sẻ, từ khi có mô hình này đã tạo sự thích thú với sách cho học sinh, nhiều bạn thường xuyên tìm đến để mượn sách mang về nhà.

Một số bạn khá nhút nhát nhưng khi tham gia hội thi “Giọng đọc thư viện xanh” đã dần mạnh dạn, đọc to rõ ràng hơn trước mọi người. Còn em Đặng Ngô Ngân Sơn (lớp 3B) bộc bạch, em cảm thấy rất hào hứng với tiết đọc sách ở sân trường.

Ngồi dưới bóng cây mát mẻ, không gian thoáng đãng, chúng em thoải mái lựa chọn cuốn sách mình thích rồi ngồi đọc cùng nhau. Em thích nhất các cuốn sách về truyện cổ tích, em hy vọng sẽ có thêm nhiều đầu sách mới, hay được bổ sung để chúng em thỏa sức đọc.

Lan tỏa tình yêu sách

Thầy Nguyễn Tiến Du, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ cho biết, bên cạnh việc xây dựng các mô hình, hoạt động nhằm khuyến khích, khơi dậy tình yêu sách cho học sinh, trường cũng đã xây dựng thư viện theo mô hình thư viện Room to Read từ nguồn ngân sách của trường và nguồn vận động xã hội hóa, giúp tạo không gian thân thiện để học sinh đọc sách.

Trong thư viện có gần 1.800 đầu sách thiếu nhi, được sắp xếp theo hướng mở, nhiều bộ sách được trưng bày trên kệ, thiết kế và phân loại theo mã màu tương ứng, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận sách dễ dàng.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ tham gia tiết đọc thư viện.
 

Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ hiện có 10 lớp với 289 học sinh, trong đó hầu hết là học sinh người Êđê. Thời gian qua, cùng với việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh, nhà trường cũng xây dựng các mô hình hướng học sinh đến việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc”.

Thầy Nguyễn Tiến Du, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ

Hằng tuần, tại thư viện, mỗi lớp tổ chức một tiết đọc thư viện. Giáo viên sử dụng các câu chuyện, quyển sách phù hợp với trình độ học sinh để tổ chức hướng dẫn giới thiệu sách, hướng dẫn đọc truyện, tìm hiểu kiến thức trong sách nhằm giúp học sinh hứng thú với sách, từng bước hình thành văn hóa đọc lứa tuổi tiểu học.

Em H Zi Ayun (lớp 3A) chia sẻ, tại tiết đọc thư viện, thầy cô giới thiệu nhiều câu chuyện hay, sách hay, giúp chúng em học hỏi được nhiều điều từ những bài đọc trong sách.

Em và các bạn rất thích thú với tiết đọc này, sau khi giáo viên hướng dẫn xong, chúng em thoải mái tìm sách phù hợp và tự do lựa chọn sách theo sở thích để ngồi đọc ngay tại thư viện.

Cô Trương Thị Lang cho hay, việc xây dựng các mô hình, hoạt động nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường bước đầu đã nhận được những tín hiệu tích cực, học sinh trở nên hào hứng, hăng say luyện đọc, yêu thích sách hơn. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất vẫn là số lượng sách còn hạn chế, theo thời gian, các em sẽ đọc qua hết sách khiến sự hứng thú giảm dần.

Để khắc phục khó khăn, hằng tháng trường phát động trao đổi sách cũ trong học sinh, giáo viên đối với mô hình “Con thuyền tri thức”, tuy vậy số lượng vẫn còn hạn chế.

Thời gian tới, trường mong muốn hướng tới kết nối, hỗ trợ sách từ các nhà hảo tâm, cũng như thực hiện luân chuyển sách với các trường học khác trên địa bàn huyện để làm phong phú thêm đầu sách trong nhà trường.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.