Multimedia Đọc Báo in

Ngăn chặn hiểm họa chó thả rông cắn người: Phải dùng “thuốc đắng”…

16:13, 23/04/2024

Thời gian gần đây, nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra do tình trạng chó thả rông cắn người. Nhiều trường hợp bị chó dữ tấn công dẫn đến thương tật, thậm chí tử vong mà nguyên nhân xuất phát từ việc người nuôi chó không chấp hành đúng các quy định liên quan.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 18 người tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên đến gần 70.000 người. Tại Đắk Lắk, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong ba tháng đầu năm 2024, đã có 4 trường hợp người chết nghi do mắc bệnh dại. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người trong thời gian tới là rất cao.

Không phải bây giờ tình trạng trên mới diễn ra. Và cũng không phải cơ quan chức năng “lơ là” trong việc ứng phó. Nhiều năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã thường xuyên thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh. Thế nhưng hầu như không có sự chuyển biến đáng ghi nhận nào.

Cán bộ thú y TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi trên địa bàn. (Ảnh: Thuận Nguyễn)
Cán bộ thú y TP. Buôn Ma Thuột tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi trên địa bàn. Ảnh: Thuận Nguyễn

Vấn đề là, mặc dù đã có “thuốc đặc trị” là các chế tài xử lý tình trạng vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh nhưng dường như đang bị “lờn thuốc”.

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội có khoản 1 Điều 7 quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Thậm chí chủ nuôi chó có thể chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người” theo quy định tại khoản 1 Điều 295 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt là phạt tiền từ 20.000.000 - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Rõ ràng, quy định đã có, việc nhắc nhở, tuyên truyền cũng đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thay đổi được thói quen của đại đa số người nuôi chó. Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng trên là bởi trong thực tế, chưa có trường hợp nào bị xử lý theo các quy định trên mỗi khi vi phạm. Một khi quy định chỉ đưa ra… “cho có” thì sẽ không thể làm ý thức của người nuôi chó, mèo chuyển biến được.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công điện gửi các sở, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Một trong những nội dung đáng chú ý là yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Với chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, hy vọng rằng các địa phương, cơ quan chuyên môn liên quan sẽ thực hiện nghiêm túc, thường xuyên để xóa bỏ tình trạng vật nuôi thả rông phổ biến như hiện nay.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.