Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa của buôn làng

08:28, 05/05/2024

Trên vùng đất đỏ bazan đa sắc màu văn hóa, già làng, trưởng buôn, người có uy tín là những người hiểu biết, có bề dày kinh nghiệm, có uy tín trong cộng đồng. Họ được xem là điểm tựa, là hạt nhân tạo sự đoàn kết, bình yên, no ấm cho buôn làng…

"Kỹ sư nông nghiệp" của buôn Jắt B

Ông Y Bhem Knul (SN 1953) hiện là người có uy tín của buôn Jắt B (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc). Đây là địa bàn sinh sống của 67 hộ dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê, Vân Kiều.

Từng là chủ nhiệm của hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn huyện Krông Pắc, trực tiếp tham gia khai hoang, đào thủy lợi, xây dựng cánh đồng trên địa bàn nên ông Y Bhem Knul khá am hiểu kiến thức nông nghiệp, am tường địa lý. Ông dùng kinh nghiệm thực tế này để hướng dẫn bà con lựa chọn, chăm sóc cây trồng phù hợp với tập quán canh tác, môi trường, khí hậu nên ông được xem như "kỹ sư nông nghiệp" của buôn Jắt B.

Những năm gần đây, khi giá sầu riêng lên cao, bà con trong buôn có xu hướng chặt bỏ cà phê để trồng sầu riêng. Thấy bất hợp lý, ông giải thích, buôn có diện tích đất canh tác khá ít, trong khi cây sầu riêng khó chăm sóc, không phải đất nào cũng có thể trồng, đồng thời khuyên giải bà con đừng chạy theo thời vụ, nên chú trọng đầu tư canh tác bền vững.

Những người có uy tín cùng trao đổi tại hội nghị gặp mặt những già làng, trưởng buôn tiêu biểu do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức.

Nói một lần chưa được thì gặp nhiều lần

Buôn Êbung (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) có 250 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc Êđê, gần 100% dân số theo đạo Tin lành. Là già làng, người có uy tín ở địa bàn, ông Y Bom Byă (SN 1959) luôn sâu sát với từng hoàn cảnh, được bà con hết mực tin tưởng, quý trọng. Đáp lại, ông luôn nhiệt huyết tham gia mọi hoạt động công tác xã hội của buôn làng, địa phương; thường xuyên cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Để “nói bà con tin” là cả một quá trình lâu dài, mà điều quan trọng nhất là bản thân mình, gia đình mình phải làm gương. Vận động nhân dân không chỉ tại buổi họp, mà cần trò chuyện, tâm tình ở bất cứ mọi điều kiện thuận lợi nào. Nói nhỏ nhẹ, một lần chưa có kết quả thì gặp nhiều lần. Cứ như vậy, dân sẽ có cảm tình, thấu hiểu và tin tưởng những điều mình chia sẻ”. Cũng nhờ sự ủng hộ, góp sức của bà con, hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn buôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa; bộ mặt nông thôn mới nhiều khởi sắc.

Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông do bà H’Yam Bkrông (bên trái) làm chủ đã giúp 42 phụ nữ dân tộc Êđê có thu nhập ổn định.

Miệng nói tay làm

Chị H’Chuyên Ênuôl (SN 1986) là Trưởng buôn Ea Bông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột). Chị được bà con tín nhiệm, tin tưởng bởi “miệng nói tay làm”, luôn xông xáo, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động cơ sở.

Để bà con biết, đi làm căn cước công dân, trưởng buôn đã phối hợp cùng lực lượng chức năng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; phối hợp đưa các tổ công tác đến tận nhà người già yếu, bệnh tật để bảo đảm tiến độ.

Đến nay, trên địa bàn buôn có trên 98% công dân đã được cấp căn cước công dân. Trong bảo tồn văn hóa dân tộc, chị thường xuyên vận động thanh niên, bà con trong buôn gìn giữ vệ sinh bến nước; tham gia các lớp học cồng chiêng, múa xoang, gìn giữ nhà dài truyền thống.

Chia sẻ kinh nghiệm tạo niềm tin trong bà con, chị H’Chuyên cho rằng, điều quan trọng nhất là phải hiểu dân, nắm bắt tập quán, sinh hoạt và cùng họ giải quyết dứt điểm mọi bức xúc trong cộng đồng. Khi niềm tin được củng cố, bà con sẽ dễ dàng giãi bày tâm tư, vướng mắc, đồng thời sẽ nhiệt tình tham gia xây dựng buôn làng văn minh, giàu đẹp.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc