Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

08:34, 10/05/2024

Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo năm 2024 do Thành Đoàn Buôn Ma Thuột phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh tổ chức đã tạo được sân chơi bổ ích, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, hướng đến xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên.

Nhiều ý tưởng mới

Mong muốn phát triển các món ăn dân dã cũng như quảng bá các giá trị văn hóa ẩm thực của người Êđê, anh Niê Ngọc Tiến (xã Hòa Thắng) mang đến cuộc thi dự án “Phát triển sản phẩm ẩm thực Êđê”.

Với các sản phẩm đặc trưng như: Cá trích khô giã lá é, cá nục hấp giã lá é, cá nướng xé sợi, muối chấm thảo mộc, cơm lam… cùng phần thuyết trình, giới thiệu về ý tưởng, mục tiêu, định hướng phát triển cũng như phương thức phân phối, quảng bá sản phẩm và ý nghĩa tác động xã hội, dự án của anh Tiến được Ban giám khảo đánh giá có nhiều tiềm năng và đã xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi.

Anh Niê Ngọc Tiến tâm sự: “Là người con của buôn làng, tôi muốn phát triển dự án này để quảng bá rộng rãi nét đẹp của văn hóa người Êđê nói chung và ẩm thực Êđê nói riêng, đồng thời tạo ra được việc làm ổn định cho lao động địa phương. Hy vọng rằng, dự án thành công sẽ khích lệ, tạo niềm tin, động lực cho nhiều bạn trẻ, đặc biệt là bạn trẻ người dân tộc thiểu số có khát vọng vươn lên, thay đổi công việc, cuộc sống theo hướng tích cực, làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh".

Thí sinh thuyết trình về các dự án tại Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo năm 2024.

Từng tham gia nhiều khóa học liên quan đến nocode, lowcode, livestream và đã ứng dụng hiệu quả để phục vụ công việc của bản thân, đồng thời nhận thấy các bạn trẻ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đang gặp rất nhiều thách thức trong việc hội nhập, phát triển, chị Lưu Thúy Vân (phường Tân Lợi) đã có ý tưởng xây dựng dự án "Quản lý số chủ động cùng LarkSuite".

Đến với cuộc thi lần này, chị Vân mong muốn nhận được sự góp ý, hỗ trợ để định hình hướng đi thuận lợi cho dự án. Chị Vân chia sẻ: “Dự án ra đời với mong muốn hỗ trợ và đồng hành cùng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, đẩy mạnh sự hợp tác, và tiết kiệm thời gian trong quá trình làm việc. Chính vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ thiết kế nhận diện thương hiệu, chụp ảnh sản phẩm, template trên kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, thiết kế và quản lý nội dung, dự án còn xây dựng kế hoạch kinh doanh và kế hoạch marketing theo từng giai đoạn, hỗ trợ khách hàng thiết kế hệ thống thông tin và quản lý số cho doanh nghiệp thông qua LarkSuite. Dự án đặt mục tiêu tối đa hóa hiệu quả quản lý và tương tác trong môi trường số cho các mô hình kinh doanh từ rất nhỏ đến nhỏ”.

Kết nối thanh niên khởi nghiệp

Lần đầu tiên tổ chức, Cuộc thi đã thu hút đông đảo tác giả, nhóm tác giả tham gia với nhiều ý tưởng, dự án mang tính sáng tạo, bám sát thực tiễn, gần gũi với cuộc sống. Ngoài thanh niên trên địa bàn dân cư với những dự án khởi nghiệp, Cuộc thi còn có có sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên với những ý tưởng nổi bật, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, tạo ra bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh.

Một trong số đó có thể kể đến như: Dự án “Xử lý rác lá cây và vỏ sầu riêng làm giá thể trồng cây, phân bón, vật liệu lót chuồng” của nhóm tác giả Vũ Quỳnh Anh - Nguyễn Thị Lan Anh (Trường THPT Buôn Ma Thuột), dự án “Áp dụng máy hút khí biogas để sử dụng sinh hoạt cho các trang trại chăn nuôi” của nhóm tác giả Phạm Văn Tư - Trần Hữu Huy và “Bộ kit trồng cây từ giá thể bã cà phê” của nhóm tác giả Huỳnh Bảo Hân - Hồ Thị Phương (Trường Đại học Tây Nguyên) hay dự án “Sản xuất thức ăn cho gia súc tận dụng nguồn phụ phẩm từ vỏ mít, hạt mít, vỏ sầu riêng và cỏ voi có tại địa phương” của tác giả Đỗ Quang Khánh (Trường THPT Trần Phú).

Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh xuất sắc trong Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo năm 2024.

Đồng hành với cuộc thi năm nay, ngoài các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp còn có Hội Doanh nhân trẻ TP. Buôn Ma Thuột với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chính vì thế, bên cạnh việc được góp ý chuyên môn, hỗ trợ hoàn thiện, các thí sinh còn được hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm... trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Chị H Hương Bkrông, Bí thư Thành Đoàn Buôn Ma Thuột cho hay: "Cuộc thi có sự tham gia của 24 đề án của đoàn viên thanh niên, học sinh và sinh viên trên địa bàn thành phố với nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, công nghiệp, nghệ thuật, giáo dục… Có những dự án đang nằm ở ý tưởng nhưng có những dự án đã triển khai và đạt được kết quả bước đầu về kinh tế. Điều đó cho thấy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên hiện nay. Thông qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn lan tỏa hơn nữa tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy nhu cầu khởi nghiệp của các bạn trẻ và giúp kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư, tiếp sức giúp các dự án tiếp tục phát triển và tăng trưởng trong tương lai, qua đó tạo hạt nhân nòng cốt trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương".

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.