Multimedia Đọc Báo in

Tăng thu nhập, nâng cao đời sống thông qua đào tạo nghề

08:36, 13/05/2024

Những năm gần đây, huyện Cư M’gar chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi cơ cấu lao động hợp lý để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.

Trung bình mỗi năm, trên địa bàn huyện có gần 200 lao động nông thôn được đào tạo các nghề sát với nhu cầu thực tế. Qua đó đã giúp nhiều lao động, nhất là lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số trang bị kiến thức cơ bản để áp dụng vào sản xuất của gia đình hoặc tự tạo việc làm tại chỗ. Nhờ đó, không chỉ giúp hộ khó khăn nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Ông Trần Tiến Ngọc, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, chương trình đào tạo nghề được chú trọng triển khai tại các xã, thị trấn trên địa bàn, được chính quyền các địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng, là một trong những khâu đột phá thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Hằng năm, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, UBND các xã, thị trấn tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người học; nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn... để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.

Những năm gần đây, kinh tế của địa phương đang trên đà phát triển và có sự chuyển dịch, vì vậy huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Theo đó, các nghề phi nông nghiệp được tập trung đào tạo cho lao động nông thôn như: sửa chữa xe máy, dệt thổ cẩm, may công nghiệp, kỹ thuật nấu ăn, xây dựng dân dụng, điện dân dụng…

Tư vấn du học nghề ở nước ngoài cho học sinh trên địa bàn huyện Cư M'gar.

Kế hoạch đào tạo nghề luôn được địa phương nghiên cứu triển khai làm sao tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận và nắm kiến thức một cách hiệu quả, các lĩnh vực đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương và thị trường lao động đang cần để bảo đảm sau khi được đào tạo nghề phải phát huy hiệu quả, áp dụng được kiến thức trong hoạt động thực tiễn, tạo ra sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

 

Từ năm 2012 đến nay, huyện Cư M'gar đã mở 73 lớp dạy nghề cho 2.432 lao động nông thôn.

"Với cách làm này, việc dạy nghề từng bước gắn sát với nhu cầu học nghề, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc làm của địa phương, tạo việc làm cho lao động nông thôn ngay sau đào tạo nghề", ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho hay.

Minh chứng rõ ràng là đã có nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã áp dụng kiến thức để phát triển kinh tế, tự tạo việc làm, mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo nhờ được học nghề.

Đơn cử như anh Y Phôn Niê Kđăm (ở buôn Mlăng, xã Ea Tar), học viên lớp nghề xây dựng dân dụng (khóa K11, năm 2019). Sau khi hoàn thành khóa học, anh chủ động học thêm để nâng cao tay nghề và mạnh dạn nhận làm các công trình xây dựng ở địa phương. Không chỉ tạo việc làm cho bản thân với mức thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm, anh còn tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động khác ở buôn làng.

Dạy nghề dệt thổ cẩm cho lao động nữ dân tộc thiểu số ở xã Ea Tul (huyện Cư M'gar).

Xác định đào tạo nghề là “đòn bẩy” để nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững cho người lao động nói chung và người nghèo trên địa bàn huyện nói riêng, thời gian tới huyện Cư M’gar tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về đào tạo nghề; đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nâng cao hiệu quả gắn kết giữa công tác đào tạo nghề và nhu cầu việc làm của thị trường lao động; vận động lao động nông thôn tích cực học nghề để cải thiện thu nhập, xây dựng và phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.