Multimedia Đọc Báo in

Chiến dịch “Thịt rừng Sạch - Sành - “Xanh”?”: Cảnh báo mối nguy từ thịt thú rừng

08:26, 30/06/2024

Công ty TNHH Không vì lợi nhuận Choice cùng Tổ chức WildAid vừa ra mắt Chiến dịch “Thịt rừng Sạch - Sành - “Xanh”?” nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã, nói “không” với mua bán, tiêu thụ thịt rừng.

Đây là chiến dịch truyền thông hướng đến thay đổi nhận thức và hành vi tiêu thụ thịt rừng qua việc mang đến nhiều góc nhìn mới để phản bác quan niệm lạc hậu cho rằng “thịt rừng sạch sẽ, thể hiện đẳng cấp hay bổ dưỡng cho sức khỏe”, cũng như cập nhật những mối nguy hại gắn liền với việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Chiến dịch đặc biệt nhắm đến đối tượng tiêu thụ thịt rừng, tập trung chính ở khu vực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn - nơi tiêu thụ 80% khối lượng thịt rừng tại Việt Nam.

 
Một số thông điệp từ chiến dịch.

Theo Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), Việt Nam được đánh giá là một trong những “điểm nóng” trung chuyển và tiêu thụ thịt rừng cùng các sản phẩm từ động vật hoang dã khác. Cụ thể, có đến 4.000 tấn thịt rừng được buôn bán bất hợp pháp qua thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, ước tính Việt Nam tiêu thụ hơn 2.000 tấn thịt rừng hằng năm, với khoảng 80% thịt rừng được tiêu thụ tại các nhà hàng và quán ăn đặc sản ở các đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố khác.

Theo khảo sát của WWF và Globescan (2021), 14% người Việt đã mua thịt rừng và sản phẩm từ động vật hoang dã trong 12 tháng gần nhất và 20% người Việt “rất có khả năng hoặc có khả năng” mua các sản phẩm từ động vật hoang dã trong tương lai. Thịt rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã được mua bán trái phép một cách công khai với những lời mời chào hấp dẫn: “Thịt rừng “sạch” vì được săn bắt trực tiếp từ rừng và chế biến tại chỗ, dành cho người “sành” ăn đặc sản, thích thưởng thức những thực phẩm “xanh” tốt cho sức khỏe từ thiên nhiên” khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng thịt động vật hoang dã mang nhiều mầm bệnh tiềm ẩn là an toàn và nhiều dinh dưỡng hơn thịt gia súc, gia cầm đã qua kiểm duyệt.

Nghiên cứu của Hilderink và Winter (Đại học Utrecht, Hà Lan) cho biết: Quá trình săn bắt, bẫy động vật hoang dã có nguy cơ lây lan nhiều mầm bệnh như đậu mùa khỉ và vi rút T-lymphotropic thông qua dịch cơ thể, các vết thương hở do động vật hoang dã cào, cắn. Việc vận chuyển động vật hoang dã (còn sống hay đã làm thịt) cũng mang mầm bệnh từ nước ngoài đến địa phương, làm lây lan nhiều mầm bệnh có khả năng chống chọi cao với môi trường như vi rút dịch tả lợn châu Phi và bệnh than (Anthrax). Việc mua bán thịt rừng và chim trời ở chợ truyền thống cũng làm lây lan nhiều bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm và SARS sang nhiều loài. Không chỉ riêng thịt rừng, các sản phẩm khác từ động vật hoang dã cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy như bệnh ký sinh trùng sán nhái. Trong vòng 60 năm vừa qua, đã có 144 bệnh lây truyền từ động vật hoang dã sang con người.

Chiến dịch “Thịt rừng Sạch - Sành - “Xanh”?” được triển khai mang thông điệp kép với câu hỏi “Liệu thịt rừng có sạch, có sành và có xanh?” song hành cùng lời cảnh tỉnh: ăn thịt rừng sẽ mất “sạch sành sanh”. Người tiêu thụ thịt rừng chẳng những không đạt được những lợi ích về sức khỏe như mong muốn mà còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cùng nhiều bệnh về tiêu hóa và tim mạch, thậm chí dẫn đến tử vong. Bằng việc sử dụng các yếu tố sáng tạo và hình ảnh thu hút với nhiều ẩn ý thú vị, chiến dịch mong muốn người xem có thể tự đưa ra câu trả lời cho chính bản thân mình; từ đó thay đổi hành vi và có một lối sống thân thiện với môi trường và động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, chiến dịch cũng triển khai website https://choicevn.com/noikhongvoithitrung cung cấp các thông tin tổng quan về chiến dịch cùng các thông tin khoa học và số liệu về các mối nguy từ thịt rừng, cũng như những hướng dẫn để sống chan hòa hơn với thiên nhiên, gìn giữ và bảo tồn món quà quý giá từ mẹ Trái đất. Người xem còn có thể để lại lời cam kết của mình để đồng hành cùng chiến dịch, mang đến sức mạnh “truyền lửa” to lớn.

Trần Trung Sáng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.