Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp “loại trừ” tài xế sử dụng ma túy

08:09, 09/06/2024

Nhiều năm qua, rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng chất gây nghiện trong quá trình điều khiển phương tiện đối với người cầm lái, nhất là tài xế đường dài.

Thế nhưng, trên thực tế, vấn nạn này vẫn tồn tại và không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng đã xảy ra, để lại hậu quả khôn lường.

Lái xe sử dụng ma túy gây ra tinh thần không tỉnh táo, thậm chí ảo giác, dẫn đến nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Đơn cử như vụ tai nạn do tài xế điều khiển xe ô tô con 7 chỗ tự tông vào một tiệm bánh mì ở TP. Đà Nẵng vào đầu tháng 4/2022 khiến 6 người bị thương.

Qua xác minh của cơ quan chức năng, tài xế này dương tính với chất ma túy và sử dụng nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an thị xã Buôn Hồ) kiểm tra chất ma túy đối với tài xế trước khi xuất bến.

Tại Đắk Lắk, cuối năm 2023 cũng xảy ra một vụ TNGT khiến 5 người thương vong, tài xế được xác định dương tính với chất ma túy. Cụ thể, vào sáng 14/11/2023 trên Quốc lộ 26, đoạn qua địa phận xã Ea Trang, huyện M’Drắk, một ô tô con đang lưu thông theo hướng từ Đắk Lắk đi Khánh Hòa thì tông vào lan can bên phải đường. Cú tông mạnh đã khiến 2 người ngồi trên xe tử vong, 3 người khác bị thương. Sau đó cơ quan chức năng xác định nguyên nhân người điều khiển xe ô tô con trong trạng thái tinh thần không được tỉnh táo (buồn ngủ), dương tính với ma túy, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ.

Lái xe trong trạng thái không tỉnh táo là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT, trường hợp không gây tai nạn cũng dễ dẫn đến các hành vi vi phạm khác.

Đặc biệt đối với các trường hợp sử dụng ma túy thường gây nên ảo giác, hoang tưởng, dễ xung động, bạo lực, có những hành vi cực kỳ nguy hiểm cho người xung quanh.

Đơn cử như vào cuối tháng 9/2023, một trường hợp điều khiển xe bán tải đã có hành vi chống đối một tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an phối hợp với Công an TP. Buôn Ma Thuột thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế. Thay vì chấp hành quy định kiểm tra thì tài xế này bất ngờ tăng ga, lao về phía lực lượng làm nhiệm vụ rồi bỏ chạy, buộc tổ công tác phải dùng xe chuyên dụng truy đuổi.

Trong lúc bỏ chạy, chiếc xe đã vượt đèn đỏ, liên tục đánh lái để tránh sự truy đuổi của lực lượng CSGT. Qua kiểm tra, tổ công tác xác định tài xế này sử dụng nồng độ cồn và dương tính với chất ma túy.

Kiểm tra nồng độ cồn và chất ma túy là chuyên đề được lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh triển khai thường xuyên nhằm kiềm giảm tai nạn giao thông.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2023 lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 3.403.625 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có 2.935 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy.

Dù ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng chất ma túy không có dấu hiệu giảm mà còn gia tăng.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng toàn quốc cũng đã phát hiện 1.587 trường hợp (bằng 54% số trường hợp của cả năm 2023) người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy.

Theo quy định hiện hành, mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy là rất cao.

Cụ thể, trường hợp người điều khiển xe ô tô mà cơ thể dương tính với ma túy sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng và bị tạm giữ phương tiện tối đa 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt. Tương tự, đối với người điều khiển xe máy nếu vi phạm hành vi trên sẽ bị xử phạt từ 6 – 8 triệu đồng.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính và hình thức phạt bổ sung, mới đây theo Thông tư 05/2024/TT-BGTVT ngày 31/3/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái, Bộ Giao thông vận tải cũng quy định 6 trường hợp sẽ bị thu hồi GPLX. Trong đó, sẽ thu hồi GPLX đối với người điều khiển phương tiện trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy (thông qua việc khám sức khỏe của cơ quan có thẩm quyền).

Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/6/2024 là một trong những biện pháp mạnh để dần loại bỏ những “con nghiện” sau vô lăng được dư luận đồng tình cao. Giải pháp này sẽ góp phần kiềm chế và giảm thiểu các vụ TNGT do tài xế sử dụng ma túy và nghiện ma túy gây ra.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc