Ghi dấu... chim trời
Để có những bức ảnh về các loài chim trong thiên nhiên hoang dã, nhiếp ảnh gia đã phải băng rừng, lội suối, đối diện với nhiều hiểm nguy. Nhưng với những người đam mê thể loại chụp ảnh này thì vất vả đó như một loại “gia vị” tăng thêm sự hấp dẫn để ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên.
Thú chơi vất vả
Một ngày cuối tháng 4, khi những cánh rừng của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn trút hết lá để chống chọi với mùa khô Tây Nguyên, tôi may mắn được đồng hành cùng ba nhiếp ảnh gia từ Hà Nội vào chụp ảnh chim. Từ 5 giờ, họ đã vào rừng tìm chim với lỉnh kỉnh nhiều thiết bị.
Chọn được vị trí ưng ý, các nhiếp ảnh gia lấy trong ba lô ra những chiếc máy ảnh lớn gắn ống kính dài đặt lên chiếc chân chống rồi hướng ống kính về nơi có tiếng chim hót. Dưới ánh nắng ban mai, từng chú chim vô tư nhảy nhót, kiếm ăn bắt đầu lọt vào ống kính. "Tạch! tạch! tạch!" - âm thanh khe khẽ phát từ chiếc màn trập của máy ảnh ghi lại khoảnh khắc sinh hoạt của các loài chim. “Rừng ở đây có rất nhiều loài chim, đặc biệt là các loài chim gõ kiến”, nhiếp ảnh gia Bùi Quý Huy nhận định.
Các nhiếp ảnh gia chụp hình chim ở Vườn Quốc gia Yok Đôn. |
Để có được một bức ảnh về chim hoang dã, nhiếp ảnh gia phải nắm vững thông tin sinh học, hành vi cũng như sự hiểu biết về môi trường sống của các loài chim để quyết định vị trí đặt máy, thời gian chụp ảnh.
Nhiếp ảnh gia Hồ Anh Tiến (ở TP. Buôn Ma Thuột) vẫn còn nhớ như in chuyến đi rừng Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) để chụp hình loài khướu Ngọc Linh – một trong những loài chim đặc hữu của núi rừng nơi đây.
Để tăng khả năng gặp được loài chim này trong chuyến đi, ông đã phải tiền trạm, tìm gặp những người thợ rừng bản địa tìm hiểu khu vực loài chim này thường xuất hiện. Sau đó, thuê người gùi máy móc, thức ăn và trèo đèo, lội suối gần một ngày mới đến được nơi loài khướu có khả năng xuất hiện. Nhóm săn ảnh của ông đã dựng một lán trại để trú chân và chờ chim xuất hiện. Phải mất bốn ngày dầm mưa, ăn cơm nắm nằm phục... mới ghi lại được hình ảnh của loài chim này. “Thấy chúng xuất hiện, bao nhiêu mệt nhọc tan biến hết”, ông Tiến nói.
Còn nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Liêm đến từ TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã có 20 năm gắn bó với nghiệp cầm máy, trong đó ông dành phần lớn thời gian để chụp ảnh chim hoang dã. Ông đã từng đi đến hơn 20 VQG, khu bảo tồn trên khắp cả nước để thỏa mãn niềm đam mê săn ảnh chim. Đi nhiều, chụp nhiều nên có những khu vực ông nhớ rõ từng loài chim, đàn chim thường đến kiếm ăn, trú ngụ. Mỗi năm, khi quay lại nơi cũ chụp hình, thấy đàn chim có thêm thành viên mới, ông vui mừng khôn tả bởi chúng đang được bảo vệ, sinh sôi. Cũng có lúc buồn rười rượi khi không thấy chúng quay trở lại nữa!
“Bỏ ống” nuôi dưỡng đam mê
Ngoài những khó khăn, thách thức trong khi tác nghiệp, với các tay săn ảnh khi đã gắn bó niềm đam mê "chơi" với chim trời thì họ phải bỏ ra khoản kinh phí không nhỏ để tổ chức những chuyến đi sáng tác.
Nhiếp ảnh gia Đỗ Đình Đông (ở Hà Nội) đã đi rất nhiều nơi trên cả nước để ghi lại hình ảnh các loài chim. Trong 5 năm gần đây, ông đã đến hơn 100 địa điểm để săn ảnh chim. Trước mỗi chuyến đi, ông phải dành dụm mấy tháng mới đủ tiền đi lại, thuê xe, ăn ở. “Đây là thú chơi. Mỗi lần ghi nhận được một loài chim mới, một khoảnh khắc đẹp của các loài chim trong tự nhiên thì niềm vui sướng lại ùa về”, ông Đông bộc bạch.
Loài chim Gõ kiến Bụng Hung được nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Liêm chụp ở Vườn Quốc gia Yok Đôn. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Ngoài việc tự tổ chức những chuyến đi chụp hình dài ngày, các nhiếp ảnh gia chụp chim hoang dã còn phải trang bị cho mình máy ảnh, ống kính chuyên dụng. “Chúng ta không thể lại gần nên phải trang bị ống kính tele có tiêu cự lớn, hành động của các loài chim thường rất nhanh nên máy ảnh phải là loại bắt nét tốt và nhanh mới ghi lại được những khoảnh khắc quý giá”, ông Đông chia sẻ.
Với những nhiếp ảnh gia chụp ảnh chim hoang dã thì phần thưởng lớn nhất là ghi lại được những khoảnh khắc tuyệt vời của thế giới chim tự nhiên và chia sẻ chúng với mọi người. Đó không chỉ là một hình ảnh sống động, đẹp mắt mà còn là một câu chuyện về cuộc sống, sự tồn tại của các loài chim trong tự nhiên.
Nhiếp ảnh gia chụp ảnh các loài chim cũng đóng góp vào việc nghiên cứu và bảo vệ các loài chim. Hình ảnh họ chụp được có thể cung cấp thông tin quý giá về hành vi, sinh thái học và phân bố địa lí của các loài chim, từ đó giúp nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự đa dạng sinh học, đưa ra các biện pháp bảo vệ phù hợp. Họ là nhà nghiên cứu, người kể chuyện và là người bảo vệ thiên nhiên, đóng góp vào việc bảo tồn, tôn vinh vẻ đẹp hoang dã của thế giới tự nhiên.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc