Khúc vọng tưởng gửi cùng mây trắng
Sông Pô Kô vẽ ngang trời một nét dũng mãnh, can trường, ôm vào lòng con nước hình ảnh đồi núi chập chùng phía bắc Tây Nguyên, những mái nhà rông như lưỡi rìu dựng đứng.
Tôi đứng trên ngọn đồi Delta 1049 nhìn xuống, nơi giáp ranh của hai huyện Sa Thầy và Đắk Tô (Kon Tum), thấy sông Pô Kô mà lòng chợt rung lên những bồi hồi. Mảnh đất này với những địa danh như Sạc Ly (Charlie, điểm cao 1015 trên bản đồ quân sự), Chư Tan Kra… như còn vương vất mùi sinh tử, trên những chồi thông non nhọc nhằn cuối mùa khô Tây Nguyên.
Tôi nhìn qua cửa xe, đồi núi nghiêng ngả theo mỗi cung đường. Chợt nghĩ, ngày xưa, lúc chiến tranh, những người lính từ dưới chân những ngọn núi này cần bao nhiêu thời gian để tấn công và chiếm giữ các cao điểm. Dĩ nhiên, thời gian chỉ là đại lượng vật lý, sự hy sinh và xương máu mới là cái không đo đếm được. Nơi tôi đang đến, trong tầm bán kính vài mươi kilômét là những cái tên, những trận chiến đi vào sử sách, của chiến trường bắc Tây Nguyên vào những tháng năm khốc liệt nhất. Phía bên trái là Đắk Tô – Tân Cảnh, nơi tôi trực chỉ đến là đồi Delta 1049 và đồi Sạc Ly 1015, còn bên phải là Chư Tan Kra.
Đường lên đồi Sạc Ly (Di tích lịch sử Charlie – 1015) ở Kon Tum. |
Sạc Ly thì nhiều người biết nhưng Chư Tan Kra thì không phải ai cũng hay. Cách đây không lâu, khi những hình ảnh từ phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân có tên Chư Tan Kra do Đạo diễn, Thiếu tá Vũ Minh Phương thực hiện, người ta mới hiểu hơn về địa danh này. Chuyện được kể lại, vào tháng 3/1968, một trận đánh ác liệt đã xảy ra tại đây, giữa các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 209 thuộc Sư đoàn 312 (còn gọi là Trung đoàn lính Thăng Long bởi tất cả đều là người Hà Nội) và Sư đoàn Anh Cả Đỏ của quân đội Mỹ bấy giờ đang chiếm giữ Chư Tan Kra (cao điểm 995 trên bản đồ quân sự). Do địa hình phức tạp, hỏa lực của quân đội Mỹ quá mạnh và chưa quen thuộc với chiến trường Tây Nguyên, tất cả các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, gửi xác thân nằm lại với núi rừng Tây Nguyên. Con số không chính xác là hơn 200 liệt sĩ của chỉ riêng Trung đoàn 209!
Khi nhắc đến Chư Tan Kra, hai vị lãnh đạo huyện Sa Thầy là ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy và ông Dương Quang Phục, Chủ tịch UBND huyện rất tự hào. Ông Phục nói: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, huyện Sa Thầy đã triển khai nhiều hoạt động nhằm khơi gợi truyền thống và thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Riêng Chư Tan Kra đã xây dựng khu tưởng niệm khang trang, có nhà bia ghi khắc chiến công…
Tôi đã đến và đọc từng dòng trên tấm bia đá này. Nội dung văn bia nhắc nhớ đến những người con ưu tú của đất kinh kỳ Thăng Long (Hà Nội) đã hy sinh anh dũng, được viết theo lối minh bia gồm 6 đoạn: Đây Kon Tum mảnh đất anh hùng! Dưới bom đạn mịt mùng lửa khói! Đây lớp lớp những người con Hà Nội, thề hiến mình cho nghĩa cả non sông. Vạn con em ào ạt xung phong, sáu mươi đợt bừng bừng khí thế/ Đẹp đẽ thay! Tuổi trẻ Thăng Long! Những chàng trai hào hoa phong nhã. Đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ. Xông vào trận với bom rơi đạn nổ! Vào sinh ra tử chẳng sờn lòng, còn nước diệt thù thêm vững chí!/ Sa Thầy hai lẻ chín (209) ra quân. Trận Đắk Tô xuất quỷ nhập thần! Chư Tan Kra ào ào bão tố. Địch tan xác cùng bốt đồn đổ vỡ! Thanh niên ta ngang dọc tây đông, giữa chiến trường lồng lộng uy phong!/ Chiến sĩ thủ đô dũng cảm phi thường. Một chọi mười vẫn chiến đấu hiên ngang. Ôm bộc phá mở đường cho đồng đội. Dẫu bị thương vẫn kiên cường xốc tới. Ầm ầm sấm sét đất Kon Tum! Rực rỡ tinh anh người Hà Nội!/ Cuộc chiến tranh có được có thua. Trăm trận thắng cũng có lần thất bại. Trước bom đạn quân thù hiểm hại. Tại nơi đây đã ngã biết bao người! Hồn thiêng cao vút tận mây trời! Thể xác dãi dầu trong cỏ đất!/ Chúng tôi nay nhặt những nắm xương! Nhìn vết máu còn hoen dưới cỏ. Ruột đau xót khôn cầm lệ rỏ. Xin xây cao vùng mộ khang trang. Dựng ngôi đền khuya sớm khói hương. Tạc bia đá ghi công vạn thuở!
Nhà bia Tưởng niệm ở Khu Di tích căn cứ Delta 1049. |
Một cựu chiến binh cho tôi hay, minh bia là của Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 209 thực hiện nhưng người cầm bút muốn ẩn danh. Minh bia chỉ có một mặt, mặt còn lại đang để trống. Mới đây, ông Phục gọi điện cho tôi, hồ hởi báo tin vui: “Chúng tôi đã soạn nội dung văn bia, cấp trên và Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 209 đã đồng ý và hiện đang tiến hành khắc chữ ở mặt bia còn lại. Tháng 7 này, huyện sẽ phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức lễ tưởng niệm hoành tráng tại Chư Tan Kra”. Ông Phục cũng gởi kèm nội dung minh bia đã được duyệt. Tôi đọc và thấy ngôn từ rất hợp, viết theo lối biền ngẫu với mặt còn lại, thể hiện lòng thành kính, tri ân của người dân và chính quyền địa phương huyện Sa Thầy, Kon Tum nói riêng và cả Tây Nguyên: Kìa Thăng Long khí thiêng ngàn dặm! Nơi thủ đô nước Việt thân yêu! Những chàng trai đôi mươi, mười tám. Từ sông Hồng đến với Sa Thầy. Mặt đối mặt với quân thù, bom đạn. Vững niềm tin đỏ thắm sắc cờ/ Vinh quang thay! Mảnh đất Sa Thầy! Rừng Tây Nguyên dang tay che chở. Dù chiến tranh muôn vàn gian khổ. Người Kon Tum vẫn đứng hiên ngang. Súng chắc tay gìn giữ giang san, như mái nhà rông kiêu hãnh buôn làng!/ Chư Tan Kra năm Sáu Tám (1968) oai linh. Chiến sĩ Thăng Long ôm súng xông lên! Bắc Tây Nguyên sấm vang chớp giật. Phút tro bay đồn giặc tan tành! Những cánh chim ch’rao quyết tử, hiến thân mình vì Tổ quốc quyết sinh!/ Hào khí Chư Tan Kra vọng đến mai sau. Một trận chiến đi vào sử sách. Những hy sinh hòa vào đất, nước. Cho hôm nay, thế hệ cháu con. Sông Pô Kô hát mãi khúc quân hành. Đất Sa Thầy tự hào lịch sử. Tên các anh như đất trời bất tử/ Cây Hòa bình nở hoa kết trái. Mỗi tấc đất máu hồng tô thắm mãi. Cho non sông một dải trường tồn. Người Sa Thầy ghi khắc công ơn. Dù mai sau sông cạn đá mòn. Vẫn một lòng một dạ sắt son/ Đài Tưởng niệm trên đồi cao mây trắng! Lời tri ân gởi đến các anh! Trời Tây Nguyên xanh, rừng núi vẫn xanh. Ru các anh giấc ngủ an lành. Chư Tan Kra vang vọng mãi. Hồn thiêng sông núi, bản hùng ca!
Minh bia tưởng niệm ở Chư Tan Kra, khánh thành vào tháng 7/2024. |
Tháng Bảy, tháng của mùa tri ân. Tôi không biết có sắp xếp về thăm Sa Thầy dịp này được không. Nhưng tôi vẫn nhớ những địa danh mà tôi từng có dịp ghé thăm. Những cái tên đọc lên thôi cũng đã gợi lên niềm bi tráng: Đắk Tô, Sạc Ly, Chư Tan Kra… Và biết chắc rằng, những nơi chốn đó, vào mùa tri ân luôn có những giọt nước mắt, những thành tâm, những khúc vọng tưởng gửi vào trời xanh, mây trắng…
Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc