Vượt qua nghịch cảnh
Ý chí kiên cường và tinh thần lạc quan như là những liều thuốc quý giúp nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin vơi bớt nỗi đau, quên đi bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống.
Giữ vững tinh thần lạc quan
Đến thăm vườn cây của ông Huỳnh Thanh Tùng (thôn 2, xã Dang Kang, huyện Krông Bông), nhìn các loại cây trồng xen canh được chăm bón, cắt tỉa gọn gàng, phát triển xanh tốt, ai cũng khâm phục bởi đây là thành quả được làm nên từ bàn tay của một NNCĐDC đang mang trong mình nỗi đau của bệnh tật.
Cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Krông Bông đến thăm mô hình phát triển kinh tế của ông Huỳnh Thanh Tùng (thứ hai từ phải sang). |
Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Tùng không hề biết rằng chất độc da cam/dioxin lại ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của mình sau này. Chỉ khi sức khỏe có phần sụt giảm, ông mới đi giám định và biết được rằng bản thân đã bị phơi nhiễm với chất độc hóa học, càng đau lòng hơn khi trong số 6 người con của ông, người con trai thứ năm cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học dẫn đến bại não, dị tật. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng với tinh thần lạc quan, đức tính cần cù, chịu khó, ông Tùng đã từng bước vượt qua.
Trên 2 ha đất canh tác gia đình tích góp mua được, ông Tùng chọn cà phê làm cây trồng chủ lực, sau đó vay vốn để trồng xen canh thêm các loại cây như: tiêu, cau, bơ... Ông chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào cải tạo vườn, chăm sóc cây nên vườn phát triển xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, ông đã chia bớt đất đai cho con cái, chỉ giữ lại 6 sào, chăm chỉ làm lụng, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Ông Tùng chia sẻ, số phận đã không may mắn với mình, vì vậy càng phải vươn lên, xây dựng cuộc sống để con cháu noi theo. Điều khiến ông phấn khởi là giờ đây đã trả hết nợ nần, nhà cửa ổn định, dù bản thân hay đau ốm nhưng ông vẫn lạc quan, lấy việc chăm chút vườn cây làm niềm vui tuổi về già.
Vươn lên làm giàu
Cũng chịu nỗi đau bệnh tật do di chứng chất độc da cam, ông Nguyễn Đức Hải (thôn 12, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) đã không khuất phục trước số phận, mà phát huy óc sáng tạo, sự nhạy bén để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Ông Hải trải lòng: Sau ngày đất nước giải phóng, ông cùng gia đình về tại huyện Ea Kar lập nghiệp, ban đầu chỉ cày cuốc 3 sào lúa, sau dành dụm mua thêm được 1 ha đất trồng cà phê. Khi bản thân phát bệnh, hay ốm đau, ông đành bán bớt đất để lấy tiền chữa trị. Vốn có đầu óc kinh doanh, ông Hải không cam lòng trước số phận mà quyết định chuyển hướng, vay mượn thêm tiền bạc để mở tiệm may, rồi mở tiệm tạp hóa trên diện tích đất ít ỏi còn lại của gia đình.
Ông Hải từng được đào tạo, có kiến thức về cơ giới hóa, nên khi nhận thấy nhu cầu của người dân trong sản xuất nông nghiệp tăng cao, năm 2000 ông mạnh dạn mở tiệm nông cơ, chuyên mua bán, sửa chữa phụ tùng cơ khí nông nghiệp tại trung tâm xã. Ông coi trọng chữ tâm, chữ tín nên việc làm ăn ngày càng phát đạt. Gia đình ông còn đầu tư thêm 3 chiếc xe ô tô kinh doanh chạy hợp đồng, dịch vụ du lịch, mang lại nguồn thu đáng kể. Kinh tế gia đình phát triển, đặc biệt hai người con mạnh khỏe, thành công là niềm hạnh phúc lớn với ông Hải, giúp ông quên đi bệnh tật.
Ông Nguyễn Đức Hải (bìa trái) giới thiệu về tiệm nông cơ của gia đình cho cán bộ hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp. |
Ông Nguyễn Đình Thanh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Ea Kar cho hay, trong số hơn 150 NNCĐDC của huyện đang được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước, có những người nỗ lực vượt qua bệnh tật, tích cực lao động sản xuất, trở thành điển hình tiên tiến, vươn lên làm giàu chính đáng như vậy. Đó thực sự là điều đáng mừng không chỉ cho chính bản thân họ mà còn là nguồn động viên, động lực cho các NNCĐDC giữ vững tinh thần vươn lên trong cuộc sống, không đầu hàng số phận.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc